Bạn có thấy được những thúc hối, vội vã trong ta, muốn làm một điều gì đó, muốn trở thành một cái gì đó? Ngay cả trong sự tu tập của mình?
Ta có thể bắt đầu bằng cách trở về với những gì đang có mặt trong thân, chúng có thể là những cảm xúc, dễ chịu hay khó chịu của mình. Hoặc ta cũng có thể lắng nghe những âm thanh nào đang có mặt chung quanh ta.
Dù ta đang đứng giữa một khu phố ồn ào náo nhiệt hay đang ngồi trong một căn phòng yên lắng, cũng không có gì khác biệt. Ta chỉ cần đơn giản chú ý đến
những gì đang có mặt.
Cái biết, cái thấy ấy bao giờ cũng có mặt, rất tự nhiên, mà không cần đến một sự cố gắng nào của ta. Không cần tìm kiếm ta vẫn cảm nhận được những cảm giác trong thân, không cần cố gắng ta vẫn nghe được âm thanh chung quanh. Những cảm xúc, âm thanh khác nhau, chúng khởi lên rồi qua đi rất tự nhiên, không cần một nỗ lực nào.
Hãy cảm nhận tất cả với một thái độ
rộng mở tự nhiên.
Thiền tập là nhìn thấy lại thân tâm của mình trong chính trạng thái của nó, nhờ vậy ta mới có thể thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc sống.
Thấy với tâm không mong cầu.
Một cái thấy trong sáng là một cái thấy
chân thật mà không phê phán. Cái thấy sáng tỏ chỉ có thể có mặt khi ta biết buông bỏ tâm mong cầu, hoặc chờ đợi một cái gì khác, dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn, thích thú hơn, vừa ý hơn... xảy đến với mình. Những gì ta cảm nhận không quan trọng, mà quan trọng là ở cái tâm thấy biết của mình.
Trong thiền tập, một cái thấy như thực là điều kiện thiết yếu, chứ không phải vấn đề là ta chọn vào đối tượng nào. Nếu như trong ta đang có một sự bất an, khó chịu, thì đó chính là đối tượng cảm nhận của ta.
Nó đang biểu hiện trong thân ta như thế nào? Tâm ta phản ứng ra sao? Nếu như đó là một sự dễ chịu thì sao?
Ta hãy trọn vẹn cảm nhận những gì xảy ra trong thân và tâm như nó đang là. Nếu trong thân ta có một sự đau nhức, ta thấy được những cảm giác cứng nhắc hay nóng buốt ấy, và những cảm thọ khó chịu đang có mặt. Nếu trong tâm ta có một nỗi sợ, lo âu, ta cảm nhận nó với sự rộng mở, thương yêu hơn là đối kháng hoặc mong cầu. Sợ hãi, bất an phần lớn do tưởng tượng
mà ra.
Hãy thư giãn và buông xả, cảm nhận tất cả một cách tự nhiên. Khi ta có mặt trọn vẹn với thực tại thì tưởng tượng sẽ không sinh khởi, không có tưởng tượng thì những sợ hãi, bất an cũng không phát sinh.
Hãy cảm nhận những trạng thái nào đang có mặt trong tâm, với một thái độ không phê phán hay mong cầu. Và ta cũng không cần phải đi tìm kiếm gì hết. Những gì đang có mặt trong thân tâm ta là những biểu hiện tự nhiên. Không có gì cần đến sự can thiệp của ta.
Thái độ ấy sẽ giúp cho ta có thêm khả năng tiếp nhận những gì đang xảy ra một cách chân thật hơn. Và khi thấy
rõ rồi, ta cũng sẽ thấy được những gì mình cần phải làm.
— Duy Nhiên
Trích trong “Trên núi chớ tìm non”
No comments:
Post a Comment