Wednesday, April 25, 2018

vô hành

Vô hành

Trong thiền tập chúng ta thường nghe nói về vô hành (non-doing). Nhưng chúng ta cũng có thể dễ hiểu lầm rằng vô hành cũng là một thái độ thụ động, ngồi yên, không làm gì hết. Trong quyển “Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây”, ông Jon Kabbat-Zinn có những chia sẻ như sau về sự thể hiện của một thái độ Vô hành.
Nương theo lẽ tự nhiên
Vô hành, không-làm-gì, là nền tảng của sự tinh thông trong bất cứ một công việc nào. Thiên Dưỡng Sinh Chủ trong Nam Hoa Kinh có kể câu truyện như sau:
Bào Đinh mổ bò cho Văn Huệ Quân.
    Lúc ra thịt, điệu bộ của tay động, của vai đưa, của chân đạp, của gối chạm, tiếng da xương lìa nhau, tiếng dao cạo cắt đều trúng cung bực, hợp với điệu múa Tang-Lâm, với bài nhạc Kinh Thủ.
    Văn Huệ Quân nói "Hay thật!  Nghệ thuật đến đó là cùng!"
    Bào Đinh buông dao, thưa rằng: "Cái chỗ ưa thích của thần là Đạo. Ban sơ, lúc ra thịt một con bò, chỗ mà thần chỉ có thấy mà thôi, là con bò. Về sau ba năm, thần không còn thấy con bò nữa. Bấy giờ thần không dùng con mắt để nhìn mà dùng cái 'thần' để xem: ngũ quan dừng lại, mà 'thần' thì muốn đi, nương theo thiên lý. Tách các gân lớn, lùa các khớp lớn, nhân chỗ cố nhiên của nó mà cắt. Bắp thịt còn không xắt qua, huống chi là khớp xương to. 
     Người bếp bình thường mỗi tháng thay dao một lần, vì họ chặt. Nay con dao của thần đã dùng mười chín năm; số bò đã mổ có trên nghìn con, vậy mà dao như mới mài xong. Các khớp xương kia có kẽ hở mà lưỡi dao này thì mỏng. Lấy cái bề mỏng của con dao mà đưa vào chỗ kẽ, thì rộng có thừa. Vì vậy mà lưỡi dao đã dùng mười chín năm nay vẫn còn sắc như mới mài. 
    Tuy vậy, mỗi khi gặp chỗ gân xương sát nhau quá cảm thấy khó làm, thì thần phải nhìn kỹ, hành động chậm lại; con dao cử động một cách rất nhẹ nhàng, thế mà thịt lại đứt và rơi xuống như bùn rơi xuống đất. Bấy giờ thần cầm dao đứng yên, ngoảnh nhìn bốn phía, đắc ý vì được con dao tốt, rồi đem cất nó đi."
    Văn Huệ Quân nói: "Hay biết chừng nào!  Ta nghe lời nói của Bào Đinh mà hiểu được cái đạo dưỡng sinh!"
Tiếp xúc với sự sống
Vô hành, không-làm-gì, không phải một thái độ làm biếng và thụ động. Mà còn ngược lại!  Nó đòi hỏi một sự can đảm và năng lượng lớn để biểu lộ được sự vô hành, trong tĩnh lặng cũng như trong hành động. Có được một thái độ không-làm-gì trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, việc ấy không phải là dễ.
    Thật ra đối với những người bận rộn, luôn có những công việc cần phải hoàn tất, vô hành lại là một phương cách rất hữu hiệu. Vì họ sẽ khám phá ra rằng, thái độ vô hành còn giúp cho họ làm được nhiều việc hơn, đạt được kết quả tốt đẹp hơn!  Vô hành chỉ có nghĩa là hãy để cho sự việc được như-là, và cho phép chúng tự khai triển theo sự vận hành của chúng. Dĩ nhiên là bạn cũng vẫn dụng công khi cần thiết, nhưng đó sẽ là một thái độ khéo léo, có ý thức rõ ràng, một sự dụng sức tự nhiên.  Là một hành động nhưng không có người hành.
    Những hành động làm-nhưng-không-làm này thường biểu hiện ra trong các điệu vũ, trong những môn thể thao, khi người thể hiện hoàn toàn quên đi chính mình. Nhưng thật ra, việc ấy cũng xảy ra trong mọi sinh hoạt hằng ngày của ta, từ hội họa, sửa xe cho đến dạy dỗ con cái.  Với sự trải nghiệm sâu sắc, chúng ta có thể phát triển được một khả năng mới, cho phép hành động của ta biểu hiện ra tự nhiên, thoát ra ngoài nỗ lực, ra ngoài kỷ thuật, ra ngoài mọi toan tính. Và khi ấy mỗi hành động sẽ trở thành một sự diễn đạt hồn nhiên của nghệ thuật, của sự sống, của sự buông bỏ hết mọi cố gắng - một sự chuyển động hòa hài của thân tâm. 
    Mỗi khi xem một biểu diễn nào, của một nhà thể thao hoặc một nghệ sĩ, chúng ta thường cảm thấy rung động, xao xuyến và nâng cao tâm hồn, vì nó cho phép ta tham dự vào sự kỳ diệu ấy, dù chỉ trong một giây phút.  Và có lẽ nó cũng nhắc nhở rằng, mỗi chúng ta, tùy theo một cách riêng, đều có thể tiếp xúc được với những giây phút nhiệm mầu ấy ngay trong sự sống của chính mình.
Thiền là không-làm-gì
Ông Thoreau nói, "Ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày, đó mới là một nghệ thuật cao nhất."  Martha Graham, nói về nghệ thuật vũ, diễn tả như sau: "Trong một điệu vũ, cái quan trọng nhất bao giờ cũng là ngay chính giây phút này. Hãy làm cho giây phút ấy toàn vẹn và đầy sự sống. Đừng bao giờ để cho nó trôi qua không hay biết và không dùng đến."
    Tôi nghĩ, không còn thiền sư nào diễn tả đúng hơn thế.  Đây là một sự trải nghiệm mà chúng ta cần phải kiên trì học hỏi, và biết rõ rằng vô hành sẽ là sự thực tập của cả đời mình. Vì thói quen lăng xăng hành động đã ăn sâu vào gốc rễ của chúng ta, nên bây giờ muốn có được một thái độ vô hành sẽ đòi hỏi nơi mình một sự buông xả rất lớn.
    Thiền quán đồng nghĩa với lại vô hành. Chúng ta tu tập không phải vì muốn cho sự việc được hoàn chỉnh hơn, hoặc muốn hành động của ta được hoàn hảo hơn. Mà chúng ta thực tập là để nhận thấy rõ được sự thật là mọi việc tự chính nó đã và đang là hoàn mỹ rồi. Vì vậy, ta hãy tiếp xúc với sự toàn vẹn của giây phút hiện tại này, mà không áp đặt lên đó bất cứ một sự dư thừa, hay thêm bớt nào khác, và thấy rõ được tiềm năng làm phát khởi giây phút tươi mới kế tiếp của nó.
    Khi ta biết những gì mình biết, thấy những gì mình thấy, và ý thức được rằng ta không hiểu được hết tất cả, chúng ta sẽ trở nên tự tại hơn, từ đó ta hành động, xử sự, tiến tới, dừng lại, hoặc sẳn sàng chọn lấy cơ hội. 
    Đôi khi người ta ví đó như là một dòng nước chảy, giây phút này nhẹ nhàng thong thả lướt sang giây phút kế tiếp, hoàn toàn không có chút nỗ lực nào. Và tất cả đều được nâng niu, ôm ấp bởi một lòng sông tỉnh thức.
Nguyễn Duy Nhiên

free hit counter

2 comments:

Anonymous said...

dạ tuyệt quá !

hukai girl said...

"Thiền là không-làm-gì". i need to print, frame, & hang it for the house :)