Có hay không có một cái Tôi?
Đức Phật thường rất thận trọng mỗi khi ngài trả lời cho ai một điều gì, phương cách trả lời của Phật là làm sao giúp cho người nghe được giác ngộ.
Có những câu hỏi Phật trả lời chung cho tất cả, nếu đó là một vấn đề phổ quát có thể áp dụng cho mọi người. Có những câu Phật trả lời bằng cách phân tích, định nghĩa những danh tự rõ ràng, trước khi Ngài giải thích. Cũng có những trường hợp Phật giải đáp bằng cách đặt câu hỏi ngược lại, để làm sáng tỏ vấn đề trong tâm của người hỏi.
Và nếu như Phật thấy câu hỏi nêu ra chỉ tạo thêm sự vướng mắc, làm trở ngại cho sự tu tập của người nghe, thì Phật thinh lặng và không trả lời.
Tháo gở chứ không trói buộc thêm
Một trong những đức tính về giáo pháp của Phật là thiết thực hiện tại. Nó có nghĩa là những câu trả lời, hay lời dạy của Phật, đều có thể chứng nghiệm được ngay trong bây giờ và ở đây, chứ đó không phải là một khái niệm hay lý thuyết mà ta cần phải lý luận hoặc tìm hiểu xa xôi. Những lời Phật dạy thường có một mục đích là giúp cho người nghe tháo gở một cái gì đó, còn đang bị vướng mắc, bằng cách giúp họ quay trở lại để tiếp xúc với thực tại, có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra.
Nhưng nhiều khi trên con đường tu học, chúng ta lại vô tình biến những lời dạy cụ thể ấy trở thành một khái niệm, để rồi lý luận, tìm kiếm một sự giải thích nào đó bên ngoài. Thay vì buông bỏ, ta lại vô tình trói buộc thêm vào bằng những thành kiến sẵn có, những ý niệm không cần thiết, mà đôi khi lại còn làm ngăn ngại cho việc chuyển hóa những khó khăn của mình.
Giáo lý không phải là ý niệm
Có lần thầy Thanissaro Bhikkhu nói về giáo lý vô ngã (not-self). Thầy đặt ra vấn đề là, đức Phật có bao giờ nói rằng chúng ta không có một cái tôi chăng? Theo Thầy Thanissaro thì thật ra Phật không hề xác định hay phủ nhận rằng chúng ta có hay không có một cái tôi. Vì vô ngã không phải là một ý niệm để ta tìm hiểu, suy đoán hay tranh luận, mà đó là một phương tiện, một công cụ giúp ta tháo gở ra những dính mắc để chuyển hóa khổ đau.
Trên con đường tu học, chúng ta đừng quên tính cách cụ thể của lời Phật dạy, mà có thể vô tình biến chúng trở thành những sở tri, những trói buộc mới khác, bằng sự suy luận hay lời giải thích có giới hạn của mình. Xin gửi bạn những chia sẻ của Thầy Thanissaro về vấn đề có hay không có một cái tôi.
“Ta cũng chưa bao giờ nói như thế.”
Có người cho rằng, sở dĩ đức Phật không trả lời với Vacchagotta rằng “không có một cái tôi”, là vì anh ta cũng sẽ không thể nào hiểu được. Nhưng thật ra trong kinh, đức Phật cũng đã khuyên các thầy hãy tránh tranh luận về những vấn đề như là “Tôi là ai” “Tôi có hiện hữu không?”, vì chúng sẽ dẫn đến những câu trả lời như là “Tôi có tự ngã” và “Tôi không có tự ngã”, “I have a self” and “I have no self”, và cả hai đều là một cái thấy sai lầm, cái thấy trói buộc và chúng là những hý luận vô ích (Majjhima Nikaya 2), chỉ làm trở ngại và khiến cho ta không thấy được sự thật mà thôi.
Bắt đầu từ những sự tranh luận
Nhưng nếu thế thì tại sao ngày nay chúng ta lại thường gán cho đức Phật đã dạy rằng, không có một tự ngã, there is no self?
Tôi nghĩ có lẽ vấn đề phát xuất từ một nền văn hóa ưa chuộng tranh luận của Ấn độ. Ngày xưa các giáo sĩ thường hay tổ chức những cuộc tranh luận công cộng về các vấn đề “nóng bỏng”, với mục đích thu hút tín đồ, và tìm sự ủng hộ của các bậc vua chúa. Và đức Phật thì luôn nhắc nhở các đệ tử mình đừng bao giờ tham dự vào những cuộc tranh luận này (Sutta Nipata 4.8), vì trong những cuộc tranh luận ấy ta không thể nào được phép im lặng.
Thế hệ sau thời đức Phật, các thầy vì bị vướng vào những sự tranh luận này với các trường phái khác, nên phải đặt ra một câu trả lời nhất định cho câu hỏi về việc có hay không có một cái tôi. Luận Sự (Kathavatthu) là một bộ luận đầu tiên mà chúng ta biết, có đề cập đến câu trả lời “không” cho vấn đề tự ngã này. Và về sau, những tác phẩm lớn khác như là Cuộc đời đức Phật (Buddha Charita) và Mi Tiên Vấn đáp, (Milinda Panha), được sáng tác vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, đã đặt cái “không” này vào tâm điểm giáo lý của đức Phật.
Và ngày nay, chúng ta lại còn cộng thêm vào những suy luận riêng của mình để trả lời cho câu hỏi ấy, ví dụ như là mặc dù tuy ta không có một cái tôi riêng biệt, nhưng ta có một cái tôi vũ trụ rộng lớn (a cosmic self). Nhưng thật ra, đây lại là một quan niệm mà đức Phật hoàn toàn bác bỏ và chê trách trong bài kinh Ví dụ về người bắt rắn (Alagaddupama Sutta).
Một công cụ giúp cho sự giải thoát
“Không có một cái tôi” không phải là lời dạy của Phật. Nhưng sở dĩ nó vẫn còn tồn tại đến hôm nay là vì lời tuyên bố ấy cũng tương tợ với giáo lý vô ngã, anatta, (not-self).
Vô ngã là một trong những công cụ, phương tiện, đức Phật dùng để giúp ta buông bỏ những dính mắc của mình. Vì mặc dù đức Phật không hề xác định hay phủ nhận về sự có mặt của một cái tôi, nhưng Ngài có nói đến cái tiến trình mà tâm ta tạo nên cái cảm nhận về một cái ta ảo tưởng, khi nó đeo đuổi chạy theo những tham ái.
Nói một cách khác, đức Phật chỉ chú trọng về cái nghiệp quả tạo nên từ sự thành hình của một cái tôi ảo tưởng ấy. Vì sự tham ái, nắm bắt mới chính là nguyên nhân của khổ đau. Và cũng vì trong bất cứ một cảm nhận nào của một cái tôi cũng có sự nắm bắt, nên Phật khuyên chúng ta sử dụng ý niệm vô ngã như là một phương cách để tháo gỡ ra sự dính mắc ấy.
Mỗi khi ta thấy mình bị gắn liền vào một cái gì đó khổ đau và biến đổi, bạn hãy tự nhắc nhở mình rằng nó là vô ngã: và nó không đáng để cho ta bám víu, không đáng cho ta nhận đó là mình (Samyutta Nikaya 22.59). Điều ấy sẽ giúp ta buông bỏ. Và khi ta thực hiện điều ấy một cách trọn vẹn, nó có thể dẫn ta đến sự giải thoát.
Vô ngã là giáo lý về sự buông bỏ
Trên con đường tu tập, chúng ta áp dụng ý niệm về vô ngã đối với những gì đang lôi kéo ta đi lạc lối, để biết quay trở lại. Nhưng nếu như ta không còn bị vướng mắc nữa, thì ta cũng đâu cần đến ý niệm về ngã (self) hay vô ngã (not-self) nữa làm gì? Vì câu hỏi ấy không hề cần thiết, khi ta đã hoàn toàn giải thoát và có được hạnh phúc thật sự.
Thật ra tin chấp vào không có một cái tôi cũng có thể là một trở ngại cho sự giải thoát. Như Phật có dạy rằng, quán chiếu về vô ngã có thể dẫn đến một cảm nhận về sự trống không (MN 106). Và nếu như mục đích tu học của ta là để đi chối bỏ một cái tôi, thì ta có thể nhận lầm cái cảm nhận về sự trống không ấy chính là sự giác ngộ, và cho rằng mình đã đi đến cuối đường. Nhưng Phật nhắc nhở ta rằng, trong sự trống không ấy vẫn có thể còn những sự dính mắc vi tế. Mà nếu như ta đã cho rằng mình đã đến nơi rồi, thì ta sẽ không còn nhìn thấy chúng nữa. Và nếu như không thấy được thì ta sẽ không thể nào buông bỏ được.
Vì vậy cho nên, ta cần nên nhớ rõ giáo lý vô ngã là để giúp cho ta trả lời những câu hỏi nào, và không phải để giải thích cho vấn đề nào. Hiểu được như vậy, ta sẽ thấy rõ ràng được sự khác biệt giữa thế nào là một sự giải thoát thật sự, và thế nào là vẫn còn bị trói buộc.”
Nguyễn Duy Nhiên
Trích trong "Ngắm Nhìn Tĩnh Tại"
Trích trong "Ngắm Nhìn Tĩnh Tại"
No comments:
Post a Comment