không tiếng nước xao
Hôm ấy là một ngày thật đẹp, ông tổ chức buổi biểu diễn ngoài
trời. Tấm bia được đặt ở phía cuối một sân cỏ rộng dài, và phía bên kia là
biển. Chuông trống nổi lên, vị thiền sư bước ra sân, ông dừng lại cầu nguyện
trước một bàn thờ nhỏ.
Ông quay sang cúi chào mọi người, rồi trang trọng mặc vào một
chiếc áo lụa màu trắng. Vị thiền sư mở một chiếc hộp đen dài và lấy ra một
chiếc cung, bình thản điều chỉnh lại độ căng của dây cung. Sau đó, ông ngồi
xuống trong tư thế thiền, để cây cung trên đùi mình, và nhắm mắt lại. Mọi
người đều im lặng cùng ngồi thiền với ông.
Sau một thời gian dường như thật lâu, vị thiền sư
từ từ đứng dậy. Ông thận trọng chọn một mũi tên. Mọi người hồi hộp ngồi yên!
Ông đứng giữa sân cỏ và xa xa là một tấm bia lớn, phía sau là một vùng biển
rộng. Một lúc sau, dường như rất lâu, ông giương cung lên nhắm về hướng tấm
bia. Mọi người nín thở chờ đợi.
Vị thiền sư từ từ hướng cung lên bầu trời cao và buông dây.
Mũi tên rời dây cung lao thẳng vào một bầu trời trong vắt, bên trên tấm bia,
nó bay thật xa và rồi rơi vào đại dương xanh biếc phía sau. Ông đứng nhìn và
mỉm cười hài lòng, như là mũi tên mình đã thành công đạt đến mục tiêu. Ông
bình thản, từ tốn, đặt cây cung trở lại vào chiếc hộp dài. Ông quay sang cúi
chào mọi người, và buổi lễ chấm dứt.
Mục tiêu ở mọi nơi.
Tại sao vị thiền sư không nhắm mũi tên về hướng tấm bia mà lại hướng lên
bầu trời? Mục tiêu của ông là một đại dương mênh mông? Có lẽ ý của ông muốn
nói rằng, trong thiền tập, mục tiêu của ta có mặt khắp mọi nơi, chứ không
phải chỉ là ở một nơi duy nhất nào!
The target is everywhere! Cái mục tiêu mà ta đang
nhắm tới, thật ra chúng cũng đang có mặt ngay trong giây phút này và nơi
đây, trong bất cứ một hoàn cảnh hay tình trạng nào mà ta đang có mặt, chứ
không thể là một nơi nào khác.
Tôi đơn giản hiểu rằng vị thiền sư ấy muốn nhắc nhở
rằng, sự thực tập của ta có mặt trong mỗi việc mình đang làm, trong mỗi bước
chân mình đi, trong mỗi hơi thở, hay bất cứ cảm xúc nào đang có mặt. Nó
thênh thang như bầu trời, mênh mông như biển lớn.
Tôi thấy mũi tên của vị
thiền sư ấy nhiệm mầu lắm, nó phá tung được cái ảo tưởng của ta về một mục
tiêu nào đó. Tất cả nơi nào mình đi cũng là nơi mình đang đến. Ta không cần
có một mục tiêu, hay chờ đợi một sự thành đạt nào khác. Nó là bất cứ những
gì đang có mặt với ta, bây giờ và ở đây. Chỉ đơn giản có vậy!
Không tiếng nước xao!
Không có một nơi nào để đến và ta cũng sẽ không về đến một
nơi nào. Ở đây có bước chân, có những cảm thọ, có gió và lá, có trời và mây,
có tiếng chim hót và nắng ấm. Và thật ra, chúng ta có cần phải về, phải tới
một nơi nào đó không, vì thực tại thì không bao giờ có một khuôn mẩu nhât
định nào hết.
Nhà thơ Ryokan, ông cũng là một tu sĩ Phật giáo, có viết bài
hài cú,
kawazu tobikomu
oto mo nashi
Ao mới
Con ếch nhảy vào
Không tiếng nước xao.
Bài hài cú của Ryokan khiến ta nhớ đến bài thơ kinh điển của
Basho, về một ao cỗ, con ếch và tiếng nước xao! Nhưng chúng ta đâu cần phải
theo một khuôn mẩu cố định nào đâu bạn hả. Hãy mở rộng lòng mình ra mà lắng
nghe âm thanh của mũi tên kia rơi vào một đại dương xanh biếc. Chiếc ao kia bao
giờ cũng vẫn mới tinh, mặt nước vẫn chưa bao giờ lao xao...
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment