Để được tâm an tĩnh
Thiền duyệt có nghĩa là niềm vui trong thiền tập. Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi tưởng muốn an tâm và phát triển định lực ta cần phải cố gắng và vất vả ghê gớm lắm.
Tôi còn nhớ trong khóa tu thiền đầu tiên, đầu óc tôi cứ suy nghĩ lung tung và tâm thì chu du đi khắp mọi nơi. Có lúc bực mình quá, tôi tự nhủ là nếu nó xảy ra lần nữa thì tôi sẽ tự đập đầu vào tường cho biết! Nhưng thật may cho tôi, lúc ấy tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa cũng vừa được thỉnh lên.
Trong khi sắp hàng chờ lấy đồ ăn, tôi nghe hai người đứng phía sau nói chuyện với nhau. Một người hỏi thăm người kia về thời ngồi thiền vào buổi sáng này. Anh ta trả lời với một giọng thật bình thản: “Hồi sáng này tôi ngồi chẳng được yên gì mấy, nhưng chiều nay chắc là sẽ tốt hơn.”
Tôi quay lại nhìn anh ta với một ánh mắt kinh dị và khó tin. Tại sao anh lại không hề bị bực mình như tôi? Tôi tự hỏi, anh ta có coi chuyện hành thiền là quan trọng hay không chứ? Và đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, anh ta là Joseph Goldstein. Năm năm rưỡi sau, hai chúng tôi cùng với Jack Kornfield và một số bạn nữa, đã cùng nhau đứng ra thành lập Trung tâm thiền tập Insight Meditation Society.
Đến lúc ấy thì tôi cũng đã hiểu được ý của Joseph khi anh nói lên câu nói đầy hy vọng ấy. Khi sự hành thiền tiến triển hơn, tôi mới hiểu rằng những điều kiện cần thiết cho sự một tâm an tĩnh không phải là cái thái độ tranh đấu, gian khổ mà tôi đã có.
Nguyên nhân gần của tâm định
Theo tâm lý học Phật giáo thì bất cứ một tâm hành thiện nào cũng đều có một nhân duyên gần của nó. Đó là một điều kiện cơ bản làm phát khởi lên đức tánh ấy. Ví dụ, nhân duyên gần của tâm từ, metta, là thấy được sự tốt lành nơi người khác. Vì vậy, tâm từ dễ phát khởi nhất khi ta nhìn thấy những cái hay, cái đẹp của người chung quanh.
Tôi thì cứ tưởng nguyên nhân để làm phát sinh tâm định phải là một sự căng thẳng, phấn đấu mãnh liệt. Nhưng hoàn toàn ngược lại, tôi vô cùng ngạc nhiên, vì nhân duyên gần để làm phát khởi định lực lại chính là một thái độ an vui và buông xả.
Sau này tôi mới hiểu, cố gắng trói buộc tâm mình vào một đối tượng sẽ không tạo điều kiện cho định lực phát sinh. Và trái lại, khi tâm ta buông thư, tĩnh lặng và hạnh phúc, ta sẽ có thể định tâm rất dễ dàng và tự nhiên.
Mà hạnh phúc tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là một cảm giác vui thú thoáng qua, mà nó lại tàng chứa những lo âu vì sợ mất đi. Hạnh phúc làm điều kiện cho định lực, mà tôi muốn nói, là một trạng thái tĩnh lặng, khi tâm ta yên ổn, rộng mở và tự tin. Đây là một thửa vườn phì nhiêu cho cây định đâm hoa, kết trái.
Bằng một thái độ buông xả
Nhưng làm sao ta có thể có được trạng thái an lạc ấy? Theo tôi nghĩ, muốn có một sự an lạc trước hết ta cần phải có một cái nhìn cho đúng. Một cái nhìn mà anh Joseph đã biểu lộ trong giờ ăn trưa hôm ấy nhiều năm trước đây, bằng một thái độ buông xả.
Một cái nhìn và hiểu biết đúng đắn, khi đã thật sự trở thành một phần trong đời sống, sẽ là nền tảng cho sự phát triển một tâm bình thản. Tâm bình thản không phải là một thái độ lãnh đạm và dửng dưng, mà đó là một tâm thức rộng mở, trong đó ta cảm thấy trọn vẹn và đầy đủ, cho dù hoàn cảnh cuộc đời có thăng trầm đến đâu.
Một khi chúng ta đối diện với cuộc đời bằng một tâm quân bình và hạnh phúc, ta sẽ không còn bị phản ứng máy móc theo thói quen và tập quán nữa, như là lúc nào cũng chạy theo những cuộc vui và trốn tránh khổ đau. Những tập quán lâu đời ấy sẽ thôi không còn cắm rễ vào tâm ta như xưa. Và nếu như chúng có khởi lên cũng sẽ rất mềm yếu, ta không cần phải sợ hãi, vì biết mình có một sự chọn lựa và không để chúng sai sử như trước.
Mặc dù an lạc tự nó là mục đích, là quả trái của thiền tập, nhưng nó cũng là một phương tiện, một trạng thái tâm thức mà ta có thể có ngay trong bây giờ và ở đây, chỉ cần ta biết buông xả và sống với tình thương.
Và niềm an tĩnh ấy cũng là một nguyên tố chủ yếu giúp ta vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau trong cuộc đời này.
Trích trong “Trái Tim Thiền Tập” – nguyễn duy nhiên
No comments:
Post a Comment