Friday, September 4, 2015

Bắt đầu từ nơi đâu?

Bắt đầu từ nơi đâu?

Có một thiền sinh viết thư hỏi một vị giáo thọ phụ trách cho một tờ báo Phật học, "Tôi vừa mới được quy y và bắt đầu học Phật, tôi thấy con đường này mênh mông quá. Tôi có một khó khăn là không biết mình nên bắt đầu từ nơi đâu đây? Những giáo lý về vô ngã, sanh diệt, tác ý, nghiệp quả, duyên sinh... cái nào cũng rất là quan trọng và cần thiết. Và tôi cũng được hướng dẫn ngồi thiền. Nhưng ngoài chiếc gối ngồi thiền ra, ta phải bắt đầu ở nơi đâu đây?"
Vị giáo thọ trả lời, "Tôi nghĩ câu cuối bạn viết trong thơ cũng chính là một gợi ý cho câu trả lời ấy: ta phải bắt đầu nơi đâu ngoài chiếc gối ngồi thiền của mình?
    Thật ra thì sự thực tập của ta bắt đầu khi mình đứng dậy và bước khỏi chiếc tọa cụ, trở về với cuộc sống hằng ngày. Nơi ấy chắc chắn ta sẽ phải đối diện với những việc gây cho mình sự lo âu, bực dọc, bất an... Chúng làm mờ đi cái thấy của ta, khiến mình không còn khả năng mở rộng con tim ra được nữa. Và ngay ở nơi đó mới là sự tu tập của ta.
    Tôi thích câu này của nhà thơ Rumi, 'Có một ngàn cách để ta quỳ xuống và hôn mặt đất.'  Cũng thế, trong một ngày bình thường tôi nghĩ cũng có ngàn việc xảy ra để khiến cho ta lo âu và phiền não. Mà thật ra chính cái ước vọng cao xa của ta về con đường tu học, cũng là một trong những nguyên nhân gây cho mình khổ đau.
    Sự thực tập hằng ngày của tôi là ý thức được những gì đã gây cho tôi sự bất an, để rồi bị chúng sai xử, cho dù là nhỏ nhặt đến đâu. Tôi tập nhận diện và thấy rõ được chúng. Tôi thường nói với người khác rằng, 'Sự thực tập của tôi là để tự mình chứng thực được lời hứa về Diệt đế của đức Phật, rằng hạnh phúc là điều mà ta có thể chứng nghiệm được'. Và tôi tin rằng, năng lượng hạnh phúc ấy sẽ nuôi dưỡng cho những hành động kế tiếp của mình."
Là thấy rõ thực tại của mình
Mà thật vậy, dù ta có học bất cứ một giáo lý cao xa nào, hoặc luyện tập theo một pháp môn huyền bí nào, thì rồi cuối cùng đó cũng phải là sự sống của mình. Chúng ta rồi cũng phải đặt quyển kinh xuống, đứng dậy khỏi chiếc gối ngồi thiền, để bước về và tiếp xúc với sự sống chung quanh. Và ở nơi đó chắc chắn sẽ có những khó khăn, lo âu và phiền não… chờ đợi ta. Và ta sẽ làm gì với chúng, tiếp xử chúng như thế nào, đó mới chính thật là con đường tu học của mình.
    Chúng ta thường đặt câu hỏi là làm thế nào để cho sự thực tập của mình có nhiều hiệu quả hơn, sâu sắc hơn, giúp ích được nhiều người hơn? Câu hỏi ấy tuy cần thiết, nhưng có lẽ tự nó cũng chưa được chính xác lắm. 
    Tôi nghĩ ta nên hỏi là làm thế nào để cho sự tu tập của mình được chân thật hơn. Mà sự chân thật ấy phải được trải nghiệm trong mọi hoàn cảnh, qua sự tiếp xử hằng ngày của chúng ta. Thật ra sự thực tập của ta bắt đầu bất cứ nơi nào và bất cứ nơi đâu. Vì một thực tại chân thật và trong sáng bao giờ cũng đang biểu hiện, ngay bây giờ và ở đây, chứ không phải chỉ có mặt riêng trên chiếc tọa cụ của mình.
Nguyễn Duy Nhiên

free hit counter

2 comments:

Tuệ Quán said...

Chân thành cám ơn bài viết của anh Nguyễn Duy Nhiên.

Theo thiển ý của tôi, chúng ta không nên phức tạp hóa đạo Phật, nên thế này:

1. Giữ giới cẩn trọng, cư sĩ thì it nhất giữ được 5 giới, giữ cho thật cẩn thận

2. Giữ thời khóa thực hành thiền mỗi ngày cho chính mình dù không ở trong khóa thiền, được thì kết hợp 1 thời định, 1 thời Vipassana, Tứ Niệm Xứ thì cố gắng càng nhiều càng tốt, miên mật trong ngày, trong từng sanh, trụ, diêt - sát na.

3. Tinh tấn quan sát các sắc/danh từng giờ, từng phút, từng giây, trong mỗi lời nói, ý nghĩ, tham, sân, si trong mọi lúc, mọi chỗ, từ lúc thức dậy, đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, ăn sáng, đi làm, làm việc, tương tác với bạn đồng nghiệp, với mọi người, khi ăn quan sát tâm thích ăn của mình, tâm muốn ăn, vv...

4. Luôn hướng tâm tới giác ngộ, giải thoát - trước nhất là tinh tấn quán sát, không nhất thiết phải trong khóa thiền hoặc lúc hành thiền, mà có thể thực hành cả ngày lẫn đêm, giải thoát khỏi các tâm tham, sân, si bằng cách quan sát chúng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ.

5. Khi làm điều gì, dù điều đó là đúng đi nữa, cũng nghĩ đến cái quả trước, đánh giá điều đó dù đúng nhưng có nên làm hay không?

ví dụ: ta chạy xe đến ngã tư, đèn xanh, chúng ta chạy đúng, nhưng có người vượt đèn đỏ ngang trước xe ta, vậy thì dù có đèn xanh, dù chúng ta hoàn toàn đúng, nhưng nếu tiếp tục làm điều đúng đó, thì vẫn có kết quả không tốt, cả 2 xe đều bị tai nạn. Vậy nên, dù đúng cũng vẫn phải xem thời khắc đó, thứ tự (priority) đó có nên làm hay không, nhân quả của điều đúng đó thế nào.

Đạo Phật thì không những phải nhận diện một cách chân thật cái tâm tham, sân, si của chúng ta trong mọi lúc, ngoài ra còn phải nhìn thấu, đo lường nhân -> quả của mỗi một việc làm, lời nói, hành động, tư tưởng, ý nghĩ, từ khắp các căn, lấy quả để đo lường tác nhân, để quyết định tác hành.

Đức Phật dạy chúng ta những điều như vậy, chúng ta thực hành như vậy, sống như vậy, sông thanh thản, chết bình an.

Kính chúc tất cả đều an lạc, tấn hóa trong pháp hành và các thực hành đạo Phật, hướng tới giác ngộ giải thoát.

Kính,
tx

Unknown said...

cảm ơn NDN. _()_