Tạp chí Phật học Tricycle Magazine số mùa thu năm nay có đăng một bài viết của bà Linda Heuman, một biên tập viên của báo. Bà Heuman viết về một câu hỏi của bà trong một khóa tu, xin trích dịch lại đại ý của bài chia sẻ như sau:
“Mùa hè năm 2010, tôi có tham dự một khóa tu Dzogchen tại trung tâm Garrison Institute do thầy tôi, một vị lạt ma Tây tạng nổi tiếng, hướng dẫn. Ban ngày ông ban pháp thoại và vào buổi tối chương trình được nhường lại cho những vị giáo sư chuyên môn, các học giả uy tín cũng có tham dự trong khóa tu, thuyết giảng.
Buổi sáng và xế trưa chúng tôi được nghe những lời dạy của ông về con đường đi đến giác ngộ, giải thoát. Và buổi tối chúng tôi nghe các bài thuyết trình về những lợi ích của đạo Phật đã mang lại khi du nhập vào tây phương, như là những khám phá tiên tiến trong các lãnh vực nghiên cứu khoa học não bộ (brain-science), y học, và tâm lý học.
Một buổi tối nọ, có một vị giáo sư trình bày về những khám phá mới của y học trong phòng thí nghiệm, dựa vào những kết quả thử nghiệm trên các hành giả tập thiền. Mọi người nghe đều rất phấn khởi và hào hứng trước những chia sẻ của vị giáo sư. Có lẽ bực bội vì tiết trời nóng nực, hay là vì ảnh hưởng của sự giữ thinh lặng trong khóa tu, hoặc là sau mấy ngày ngồi thiền với một vị thầy giỏi, không biết vì một lý do gì đó mà tôi đã phát biểu hơi táo bạo một chút. Và khi tới phần hỏi đáp, tôi dơ tay lên.
Một câu hỏi ngờ nghệch ?
Tôi nêu câu hỏi của mình, những tiếng ồn ào trong căn phòng đột nhiên ngưng hẳn. Tôi tưởng chừng như trong một thời gian rất dài, tất cả đều hoàn toàn lặng im. Hằng trăm cặp mắt quay đổ dồn nhìn về phía tôi. Có vài người lộ vẽ khó chịu. Có tiếng ai đó bật cười.
Câu hỏi của tôi là như vầy: ‘Nếu như chúng ta đều cho rằng, những khổ đau trong cuộc sống này rất sâu dày và chúng ta có một phương cách để giải quyết. Nếu như chúng ta đều đồng ý rằng những bài kinh chúng ta đang học đã vạch rõ ra một con đường giải thoát. Và nếu như chúng ta tin rằng vị thầy của mình, đang có mặt ngay nơi này, có thể hướng dẫn cho chúng ta đi đúng trên con đường ấy – thì tại sao chúng ta lại đem thì giờ quý báu của kiếp người này mà đi tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá xem thiền tập có làm giảm được bệnh áp huyết cao (high blood pressure) hay chăng?’
Trong số những người bạn thiền sinh trong thiền đường đang nhìn chằm chằm về phía tôi, tôi biết có người hoàn toàn không hiểu được thắc mắc ấy của tôi. Có lẽ một số nghĩ rằng họ đang đối diện với một tên Phật tử nào đó rất bảo thủ. Và có lẽ một số khác cho rằng tôi chỉ là một kẻ ngờ nghệch, thiếu hiểu biết về khoa học, hoặc là hơi thô lỗ.
Một vấn đề rõ rệt
Nhưng cho dù câu hỏi của tôi có vụng về đi chăng nữa, tôi chỉ muốn cố gắng cho mọi người thấy được sự bất đồng giữa những gì vị thầy Tây tạng của chúng tôi đã giảng, với lại những gì mọi người dường như đã hiểu. Vấn đề ấy hiển lộ rõ rệt ngay ở giữa cấu trúc của một khóa tu, ta có thể cảm nhận và sờ mó được nó trong sự phản ứng đối với câu hỏi của tôi. Và tôi nghĩ vấn đề ấy cũng rất quen thuộc trong sự thực tập hằng ngày của chúng ta.
Không có một câu trả lời dễ dàng. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu xem xét lại cái khuynh hướng suy nghĩ của mình ngày nay: cho rằng khoa học sẽ khám phá được hết tất cả, rằng sự hiểu biết của thế giới ngày nay đã vượt rất xa các thời đại trước, và ngày nay chúng ta đã có một sự hiểu biết rất chính xác về mình và cuộc sống chung quanh hơn bao giờ hết.
Hai sự thật
Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta đừng nên tìm hiểu và khám phá trong các lãnh vực khoa học và kỷ thuật nữa. Nhưng chúng ta cũng cần ý thức rằng thế giới quan (worldview) của chúng ta cũng chỉ là một thế giới quan như mọi truyền thống của những thời đại khác. Nó chỉ được dựa trên những quy ước tương đối và không có gì là chắc chắn hoặc bền vững.
Vấn đề này đưa ta trở lại với giáo lý về Hai Sự Thật, Nhị đế. Một là Sự thật tương đối, coventional truth, nói rằng tất cả những kinh nghiệm của chúng ta trong cuộc sống này cùng với các đối tượng của chúng, đều khởi lên trong phạm vi giới hạn của những giả định tương đối của cuộc sống. Và khi ta ý thức rằng, cũng vì kết quả tương đối ấy, mà không có một quan điểm nào trên thế giới này có thể hoàn toàn bền vững được, và từ đó chúng ta mới nhận diện được một sự thật tuyệt đối, absolute truth, Chân đế.
Cũng có thể được
Có lẽ rồi sẽ có một lúc ta chợt hiểu rằng, khả năng giác ngộ, giải thoát như đã trình bày trong kinh điển không phải chỉ là những huyền thoại. Chúng là hiện thực. Lần đầu tiên ta chợt nhận thấy rằng đó là điều có thể làm được, vì nó là một sự thật.
Cũng như đời sống này đã có thể làm phát khởi nên những thành tựu về vật chất theo như nguyện vọng của chúng ta – những tòa cao ốc, Internet và những phát minh tương tự - thì có thể với một lối sống mới với những nguyện vọng khác, ta cũng sẽ có thể làm phát khởi nên những thành tựu về tâm linh, như là giải thoát và giác ngộ."
--- oOo ---
Có đánh mất đi điều gì chăng?
Có một vị thiền sư khi sang giảng dạy ở Tây phương đã có một nhận xét này, ông nói đùa với các thiền sinh của mình: "Ở Á đông, chúng tôi bỏ công pha trà bằng những lá trà, khi trà du nhập vào Tây phương thì quý vị biến chế chúng thành những túi trà (tea bag) rất tiện lợi."
Tính thực tiễn đó cũng là một điều rất hay phải không bạn? Vì cuộc sống ở mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh đều khác biệt và có những nhu cầu khác nhau, nên chúng ta đôi lúc cũng cần những phương tiện cụ thể để giúp giải quyết những khó khăn của mình. Nhưng trong sự tu học thì chúng ta cũng nên cẩn thận, vì nếu không, ta có thể vô tình đánh mất đi những gì mới thật sự là quan trọng…
Bốn yếu tố thành tựu
Ngài Thiên Thai Trí Giả có nói về bốn tiêu chuẩn đức Phật đã sử dụng để hướng dẫn người nghe đến sự giải thoát. Thứ nhất là tùy hỷ, Phật dựa trên những nhận thức phù hợp với cuộc đời này mà chỉ dạy. Thứ hai là tùy nghi, Phật tùy theo những khó khăn và thao thức của người nghe, để nói làm sao cho người ta có thể cảm thông được. Thứ ba là tùy trị, mỗi người chúng ta có một căn bệnh riêng, có những lo sợ và buồn khổ riêng, nên Phật tùy theo cái tâm bệnh của người nghe mà chữa trị. Và ba yếu tố này thuộc về lãnh vực của sự thật tương đối, conventional truth.
Tiêu chuẩn thứ tư là tùy nghĩa, những gì Phật dạy đều là chân thật và cao thượng, nó không chỉ là phương tiện tạm thời mà lại khiến người nghe dính mắc thêm, nhưng giúp ta thấy rõ được con đường giải thoát. Tiêu chuẩn sự thật tuyệt đối, absolute truth, thuộc về chân đế.
Và bạn biết không, tôi nghĩ bất cứ một phương tiện nào, dù là tùy hỷ, tùy nghi hay tùy trị đi chăng nữa, cũng phải có được tiêu chuẩn ấy: đó phải là một sự thật giải thoát.
Suối vẫn thơm trong
Có lần tôi nghe đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ như vầy, "Nếu ta có một tôn giáo thì rất tốt. Nhưng thật ra nếu như không có tôn giáo chúng ta cũng vẫn có thể tồn tại và tự xoay xở được. Còn nếu như không có tình người thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại. Bản chất của mọi tôn giáo chính là từ tâm (good heart). Đôi khi tôi cũng gọi tình thương và lòng tử tế là tôn giáo của tôi."
Tôi thì đơn giản nghĩ rằng, có lẽ một tâm trong sáng với tình người cũng chính là cái tiêu chuẩn chân thật và giải thoát trên con đường tu học của mình, bạn hả. Vì chúng ta có thể có hết những phương tiện rất thực tiễn, nhưng nếu như thiếu điều kiện ấy thì như đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được"!
Lẽ dĩ nhiên tình thương phải cần có tuệ giác. Nhưng tuệ giác không thể đạt được bằng sự khôn khéo, suy tính mà là trở về với sự trong sáng ở nơi mình. Vì trong thời đại nào, hoàn cảnh nào đi chăng nữa, sự chân thật ấy bao giờ cũng vẫn có mặt.
Mà trên con đường tu học chúng ta có thật sự cần phải khôn khéo tạo tác gì thêm nữa không bạn hả, hay chỉ cần để cho nó được trong sáng tự nhiên thôi, và rồi những gì cần thiết sẽ tự chúng hiển bày…
Ở Yamankta
không cần ngắt hoa cúc bỏ vào
mà nước suối vẫn thơm
Basho –
Hoàng Xuân Vinh dịch
Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment