ý niệm và thực tại
Trong quyển Republic của Plato có một chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một hang động. Trong hang động có một hàng tù nhân, họ bị xiềng lại với nhau bằng một cách mà họ chỉ có thể nhìn vào vách hang bên trong. Họ không thể nào quay lưng lại. Phía sau lưng những người bị xiềng là một ngọn lửa, và có những hình người nhỏ xếp chung quanh như là đang sinh hoạt với nhau. Bóng dáng của những hình người giả này chiếu lên trên vách tường, phía bên trong hang. Những tù nhân ấy chỉ có thể thấy bóng dáng thay đổi của những hình người giả trên vách hang, nên họ nhận những bóng hình đó làm một sự thật tuyệt đối.
Plato nói rằng các tù nhân sẽ chơi một trò chơi là đoán xem cái bóng nào sẽ xuất hiện kế tiếp. Khi một tù nhân đoán đúng, anh ta nhận được lời khen ngợi và thán phục từ những người khác. Plato muốn nói rằng, các bậc thầy có thể được khen ngợi bởi những người chung quanh có cùng giới hạn hiểu biết với mình, nhưng vị thầy ấy cũng chưa chắc gì biết sự thật.
Cho đến một ngày, có một người trong bọn họ cắt được sợi dây xích và có thể quay lại được. Anh ta thấy được đống lửa và những hình người giả, và hiểu rằng những điều anh tin xưa nay đều là giả tưởng. Bóng hình không phải là sự thật mà chỉ là những phản ảnh trên vách. Và sau khi thoát ra được khỏi sự xiềng xích, anh đi ra khỏi hang và bước đi trong tự do dưới ánh sáng mặt trời.
Tình trạng của chúng ta cũng giống như những người bị xiềng trong hang. Bóng người trên vách tượng trưng cho những khái niệm trong cuộc đời mà ta đang sống. Chúng ta bị xiềng xích bằng những đam mê, nhìn cuộc đời qua ý niệm, thành kiến có sẵn trong ta, và nhận những khái niệm này làm thực tại.
Có nhiều khái niệm mà chúng đã được khắc sâu trong thâm tâm ta, sâu đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa, và tin chắc chắn đó phải là sự thật.
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment