Trở về với thực tại nào?
Các vị thiền sư thường khuyên chúng ta hãy trở về và sống với thực tại. Nhưng có lần, tôi nghe một thiền sinh đặt câu hỏi rằng: ta trở về với thực tại nào đây? Vì chung quanh ta đang có nhiều “thực tại” lắm, thực tại là tôi đang có một cơn bệnh, đang gặp những mất mát, hoặc trải qua một thất bại nào đó… Vậy, thực tại ở đây là thực tại nào?
Chỉ có thể bằng sự trải nghiệm
Nhưng những sự kiện ấy có thật sự là “thực tại” không bạn hả? Và nếu như ta cho rằng những điều ấy là “thực tại” của mình, thì thật ra chung quanh ta cũng đang có nhiều những điều khác nữa.
Như bây giờ có thể là trời xanh mây trắng, hay một ngày mưa tươi mát, là một tách trà thơm, là đang ngồi với một người bạn, hay đôi mắt ta vẫn còn nhìn thấy được nụ cười của người thân… Tất cả những cái đó cũng là “thực tại” phải không bạn?
Thật ra những “thực tại” mà người bạn ấy kể ra, chỉ là những kinh nghiệm chủ quan bị chi phối và ràng buộc bởi những buồn lo hay sợ hãi của chính mình. Và khi ta đóng khung sự sống của mình lại trong một khuôn khổ nào đó, thì ta cũng sẽ đánh mất đi thực tại. Thực tại thì bao giờ cũng vẫn linh động và kỳ diệu hơn ta tưởng, và ta chỉ có thể trực tiếp trải nghiệm nó mà thôi.
Hãy đến và thấy
Thật ra, các thiền sư muốn nhắc nhở chúng ta hãy trở về với những gì đang xảy ra trong giờ phút này, ở ngay chính nơi thân tâm của mình. Hãy đến và thấy, come and see, là lời mời gọi của hiện hữu. Chúng ta hãy tự mình khám phá, thay vì là qua một kết luận chủ quan nào đó.
Thực tại linh động và cũng đơn giản hơn ta tưởng. Ta chỉ có thể tiếp xúc được với thực tại bằng một sự trải nghiệm không phê phán. Hãy buông bỏ những ý niệm của mình, trở về có mặt trọn vẹn với tất cả, không can thiệp và không mong cầu.
Mùa đông năm nay có những ngày trời trở thật lạnh. Tuyết rơi mấy ngày hôm trước đã đóng lại thành băng trên đường. Đêm qua trăng tròn thật to soi sáng trên con đường nhỏ dẫn vào nhà, phủ băng tuyết đẹp diễm ảo. Thực tại nhiệm mầu, nhưng nó vẫn trôi chảy tự nhiên. Đâu có gì cần để cho ta phải giữ lại hay nắm bắt...
Trên đám cây sa thảo
Dưới bóng hàng thông
Tuyết nằm diễm ảo
Có cách nào giữ lại
Cho tuyết đừng tan không.
Sakanoeno Iratsume - Nhật Chiêu dịch
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment