Ai cũng biết mình sai.
Trong những buổi chia sẻ, tôi thường nói rằng trong chúng ta thật ra ai cũng đều biết mỗi khi mình làm một việc gì đó không đúng, không tốt. Cho dù có cố gắng giải thích hay bào chữa điều gì đi nữa, chúng ta vẫn có thể cảm nhận rằng mình đã sai.
Đa số thường ít ai đồng ý với nhận xét ấy của tôi, và cho rằng người ta làm sai vì họ không nhận ra rằng mình đã sai. Tôi cũng hiểu điều đó!
Nhưng ý tôi muốn nói, trong chúng ta ai cũng có hai đức tính thiện lành là tàm và quý. Đó là hai tâm thiện lành sẳn có trong bản chất của mình. Tàm là khả năng biết xấu hổ với chính mình, và quý là biết xấu hổ với người khác. Mà biết xấu hổ là cũng bởi vì biết mình đã làm điều sai trái, việc đó cũng tự nhiên thôi.
Ông Brad Warner, một tác giả theo phái thiền Tào Động, cũng có một quan điểm như vậy. Theo ông, chúng ta có thể nhận ra được khi ta sai lầm, nếu ta chú ý đến cách phản ứng của mình. Ta có thể không ý thức, nhưng nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy những nỗ lực bảo vệ hành động sai trái của chính mình. Đó là tín hiệu cho thấy chúng ta đang sai! Ông có chia sẻ thú vị sau đây.
“Con người là loài sinh vật thông minh. Chúng ta có thể sử dụng bộ não phát triển và lý trí để biện minh cho bất kỳ hành động nào của ta. Ta có thể dùng những lời lẽ khôn khéo để giải thích những việc làm sai trái của mình cho người khác, và tự thuyết
phục luôn chính mình, rằng những việc làm đó là
đúng đắn và hợp lý.
Nhưng thật ra, chúng ta bao giờ cũng biết khi nào mình sai, ngay cả khi chúng ta không thể thừa nhận điều đó một cách có ý thức.
Một cách để biết rằng mình đang tự bào chữa, là khi ta nỗ lực để tìm lời bào chữa! Tôi có thể cảm nhận được những chiếc bánh xe trong đầu bắt đầu xoay khi tôi muốn biện minh. Khi nhận thấy điều đó, tôi dừng lại, rút năng lượng ra khỏi tiến trình ấy. Và nhờ vậy tôi tránh được những lời tự lừa dối của chính mình.
Sự thật thì không phải là lúc nào tôi cũng hoàn toàn thực hiện được việc ấy. Nhưng khi tôi làm được, nó lại vô cùng có hiệu quả. Tất cả sẽ chỉ còn lại sự công nhận trơ trọi về hành động của mình, và không có lời giải thích hay bào chữa nào hết.”
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên
No comments:
Post a Comment