Thursday, June 15, 2023

∆ □ bất dị ○

 ∆ □ bất dị ○


Sengai Gibon (1750 – 1837) là một thiền sư Nhật bản thuộc dòng Lâm Tế, ông cũng có một biệt tài vẽ tranh thủy mặc. Những bức tranh của ông mang một nét thiền rất đơn sơ và nhẹ nhàng.

    Trong nhà thiền có một hình vẽ rất phổ biến về một vòng tròn, ensō, mà các thiền sư thường dùng để tượng trưng cho sự giác ngộ, một thế giới rỗng không và tròn đầy. Một trong những bức tranh rất nổi tiếng của thiền sư Sengai, thay vì chỉ vẽ một vòng tròn, ông lại vẽ một vòng tròn, cùng với một tam giác và một hình vuông, (○□). 

    Phần lớn trên những hình vẽ của Sengai, ông đều có ghi thêm một câu thư pháp cạnh bên, nhưng trong bức tranh hơi khó hiểu này Sengai lại không viết thêm một chữ nào nữa hết. Ý nghĩa của bức tranh ấy hoàn toàn tùy theo sự giải thích và hiểu biết của mỗi người.

    Theo học giả D.T. Suzuki thì bức tranh ấy biểu tượng cho toàn thể vũ trụ, vòng tròn tượng trưng cho cái tuyệt đối (Absolute), hình tam giác tượng trưng cho sắc, hình tướng (form), và hình vuông tượng trưng cho thế giới của hiện tượng (phenomena).

Suzuki là người rất ngưỡng mộ thiền sư Sengai. Nhìn bức tranh ấy, ông hứng khởi và cầm bút viết một câu thư pháp “□ bất dị ○” (不異○),  tam giác, vuông cũng chẳng khác gì tròn, bắt chước theo câu Tâm Kinh “Sắc bất dị không”, sắc cũng chẳng khác gì không.

    Có lẽ ông muốn nói rằng, tất cả những sự biến đổi, thật ra chúng không có gì khác biệt nhau, tất cả đều là một yếu tố cần thiết và tự nhiên của sự sống. Và vì vậy mà có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm được một khuôn mẫu nào là hoàn hảo, hay đẹp, tuyệt đối cả. Sự hoàn hảo là một thái độ trong tâm, chứ không phải là ở hoàn cảnh bên ngoài.

    Có lần Thiền Sư Eido Tai Shimano lấy bút lông quệt một vòng tròn, mà không hề tròn chút nào, rồi viết hai chữ: Viên tướng (perfect circle)!  Ngài Kogetsu thấy vậy bàn: “Không nhất thiết phải tròn. Tất nhiên là nó không hoàn hảo. Thậm chí, hình tam giác, tứ giác hay bất cứ cái hình gì trong phối cảnh tâm linh thì chúng cũng đều phải tròn cả. Trong con mắt thiền, mọi điều kiện tâm linh, tâm lý, xúc cảm, mọi sự, mọi vật đều hoàn hảo, tự nhiên như nhiên, như chân như thật! Mặt trăng tròn sao? Thế thì cái mặt méo kia cũng tròn chứ?”

   Những khổ đau trong cuộc sống sẽ có mặt khi ta bị vướng mắc vào một khuôn mẫu cố định nào đó, như khi ta bắt nó phải là một vòng tròn toàn vẹn. Và nếu như cuộc sống này không đặt vừa được vào khuôn thước của mình đặt ra, ta cảm thấy khổ đau.

— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên


No comments: