https://luxuo.vn/culture/song-tinh-thuc-p1-tro-chuyen-cung-tac-gia-nguyen-duy-nhien.html
Hỏi: Krishnamurti từng nói một câu đại loại thế này: “… con người ngày nay đã đánh mất đi khả năng quan sát mọi thứ đơn giản và mộc mạc, vì tâm hồn chúng ta luôn phức tạp…” Đôi khi sự phức tạp ấy lại khiến người ta lầm tưởng đó là tinh tế, sâu sắc. Ý kiến của ông về điều này? Làm sao để đơn giản mà sâu sắc đúng nghĩa?
Tôi nghĩ vì sống giữa một cuộc đời phức tạp, nên “tâm hồn” của ta cũng trở nên phức tạp theo. Nhưng thật ra tự bản chất của mình vẫn là đơn giản và mộc mạc. Đôi khi người ta lại nghĩ rằng những gì phức tạp, cao xa và cầu kỳ mới là tinh tế và sâu sắc, nhưng chính sự đơn giản, hồn nhiên mới chính thực là uyên thâm. Những gì là đẹp, là tốt lành và chân thật, thường được biểu hiện qua những gì đơn giản và gần gũi nhất.
Tôi thường chia sẻ rằng, đôi khi phương cách hay nhất để giải quyết một vấn đề khó khăn, là đơn giản buông ra, đừng buộc vào thêm nữa, chỉ cần ta đừng lăng xăng làm cho nó phức tạp hơn thêm thôi! Một thái độ hồn nhiên và chân thật mới chính là yếu tố của sự đơn giản, chứ không thể bằng một sự cố gắng hay nỗ lực nào được.
Đơn giản là do ở thái độ của mình chứ không phải qua một hình tướng đặc biệt nào hết. Nước có khi chảy róc rách qua con suối nhỏ, hay ào ạt đổ xuống ghềnh thác, đôi khi nó đi quanh co để ra sông biển lớn… nhưng lúc nào nước cũng chọn con đường đơn giản nhất. Nó không hề có một nỗ lực hay cố gắng nào.
Hỏi: Cuộc sống hiện đại ngày nay như là tấm gương phản ánh tập khí luôn bước tới của con người, tức sống để đạt một điều gì đó, và không ngừng tham vọng. Ông có quan điểm như thế nào về lòng tham, điều rất khó và vi tế để sửa đổi, mà ngay cả người tu học nhiều khi cũng khó thấy hết. Và làm sao để “tham” đó xuất phát từ một tâm trong sáng chứ không phải là vô minh?
Thật ra, tham muốn có mặt ở mọi phương diện của cuộc sống. Sống giữa đời thì có những tham muốn đời, và khi bước vào đạo thì lại có những tham muốn trong đạo. Ông Chogyam Trungpa có dùng từ “spiritual materialism” (khuynh hướng duy vật tâm linh) để nói về những tham muốn trong lãnh vực tâm linh, ta muốn đạt đến một trạng thái đặc biệt nào đó.
Thật ra thì không phải lòng tham nào cũng là bất thiện. Cái bất thiện là ở sự mong cầu và dính mắc của mình. Có lần, một vị thiền sư nói với tôi rằng trên con đường tu học mình phải có một sự tham muốn lớn, a great desire. Tôi mới nghe thì không đồng ý lắm, vì đạo Phật dạy ta diệt dục. Vị thầy ấy mới nói thêm rằng, vì khi cái muốn của mình là bao la, rộng mở và tiếp nhận tất cả, thì ta sẽ không bị dính mắc vào đâu hết, dù đó là khổ đau hay hạnh phúc. Tôi nhớ Thầy Nhất Hạnh cũng có viết bài thơ “Nếu hỏi tôi muốn bao nhiêu? Tôi sẽ xin rằng ‘tất cả’.”
Không phải lòng tham mà chính sự dính mắc mới là nguyên nhân của khổ đau.
Hỏi: Có những tập khí vô cùng mạnh mẽ và “lì lợm”, như thể đã tích tụ rất nhiều đời kiếp nên bây giờ thật khó để chuyển hóa, theo ông, làm sao để người ta có thể đối mặt trong sáng với nó và không để nó làm cho sa ngã?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mình phải thấy rõ tập khí ấy. Và điều đó đòi hỏi ta phải thật sự thành thực với chính mình. Tôi ví dụ, ta có thể nghĩ mình là người trực tánh, công bằng, nói thẳng, nhưng thật ra là vì ta có nhiều tánh sân!
Trong thiền tập, mỗi khi nhận thấy được tập khí của mình đang khởi lên, ta hãy cảm nhận nó, không vội phản ứng, hãy để cho nó có không gian đến đi, thì dần dần năng lượng của nó sẽ giảm bớt đi, và cũng sẽ bớt sai xử được mình.
Tập khí trong ta cũng đã được huân tập qua nhiều năm tháng, và con đường chuyển hóa cũng vậy, sẽ cần thời gian. Mỗi lần tập khí khởi lên, ta đừng vội xem đó là chướng ngại, mà thật ra đó là cơ hội giúp ta chuyển hóa nó, ta có sự chọn lựa làm cho nó yếu đi, thay vì là tiếp tục nuôi dưỡng và làm cho lớn mạnh thêm. Hãy cho tập khí ta có không gian để chuyển hóa, với một thái độ chấp nhận, bao dung, và không trách móc.
Hỏi: Nhớ có lần ông từng nói rằng mình không thể sống theo một hình mẫu hay lý tưởng dù hình mẫu hay lý tưởng đó có tốt đẹp đi chăng nữa. Nhưng thực tế để độc lập rất khó, và con người thường có một phản ứng phục tùng, đi theo… Điều đó dễ thấy trong mọi thời đại vì con người luôn hướng đến một điểm tựa bên ngoài, phải chăng họ sợ đối diện với chính mình?
Ta không thể sống theo một hình mẫu hay lý tưởng nào, dù có tốt đẹp đi chăng nữa, vì hình mẫu nào cũng sẽ có giới hạn của nó, và sẽ biến đổi theo luật vô thường. Và thật ra, những “lý tưởng” và “tốt đẹp” ấy cũng phát xuất từ một ý niệm chủ quan của chính mình mà thôi.
Và hễ “còn nương tựa, thì còn dao động.” Nhưng không phải là mình sẽ không cần sự nương tựa. Theo tôi thì những gì cao đẹp cũng như là vì sao bắc đẩu vậy, nó giúp mình có hướng đi trong đêm tối. Ta sẽ không bao giờ đến được ngôi sao ấy, nhưng nó sẽ giúp ta đi đúng hướng. Và ngôi sao ấy không đưa ta hướng đến một điểm tựa nào bên ngoài, mà sẽ giúp ta thấy lại rõ được chính mình hơn.
Hỏi: Như ông chia sẻ, vốn chân tánh của chúng ta là trong sáng thanh tịnh, nhưng cách gieo giá trị tốt đẹp trong đời sống của ta nhiều khi vẫn bị rơi vào tâm tham, sân và si. Theo ông, làm sao để ta gieo giá trị cho đời đúng nghĩa. Điển hình như bây giờ nhiều người làm từ thiện nhưng vẫn có mục đích của bản ngã, vẫn gây ra nhiều thị phi…
Tôi vẫn thường chia sẻ về sự quan trọng của việc biết thành thật với chính mình. Nếu như ta thành thật với mình, ta có thể tự lắng nghe và thấy được lý do sâu kín, vì sao mình làm một việc gì đó. Vì tình thương với người chung quanh, với cuộc sống, hay do một ý riêng nào khác? Và chỉ có mình mới biết mình hơn hết.
Những việc ta làm sẽ tạo nên nghiệp quả (karma). Và nghiệp quả là vị thầy rất hay dạy cho ta biết sửa đổi. Mỗi lần vấp ngã, ta hãy thành thật nhìn lại chính mình. Nó giúp ta thấy ra những tham, sân và dính mắc của mình. Và mỗi lần thấy ra được điều ấy để buông xả, là ta lại gần với sự trong sáng thanh tịnh của chính mình hơn.
Hỏi: Giờ đây phương tiện tu học thật sự nhiều, điển hình như đạo Phật là một rừng kinh điển bao la, khiến người tu học phải hoang mang, mà nhiều khi lại chẳng thể nhìn ra được nguyên lý tu học là gì. Bằng kinh nghiệm tu học của mình, ông có thể đưa ra một gợi ý tiếp cận giản đơn mà đi được vào cốt lõi?
Tôi thường chia sẻ rằng, trên con đường tu học, hễ mình tìm cầu điều gì thì mình sẽ gặp được vị thầy, và những phương tiện, giúp mình phát huy điều ấy. Ví dụ, ta muốn có được những trải nghiệm phi thường, kỳ lạ, thì ta sẽ gặp những vị thầy với đường lối ấy; nếu như ta muốn tìm cầu an lạc, tĩnh lặng, ta sẽ gặp được vị thầy với những phương pháp này; và nếu như ta muốn chấm dứt khổ đau, được tự tại, thong dong trong mọi hoàn cảnh, thì ta sẽ gặp được vị thầy có thể chỉ dạy cho ta điều ấy.
Tôi thấy là mình phải tự hỏi là ta thật sự muốn gì? Đó là sự chọn lựa của mỗi người thôi. Tìm thì sẽ gặp, gõ thì cửa sẽ mở. Nhưng ta nên cẩn thận, vì khi cửa mở và bước vào rồi, đó có thật sự là những gì ta tìm cầu chăng?
Thật ra những gì Phật dạy không có nhiều, không mênh mông
như ta nghĩ, tất cả chỉ như một nắm lá trong tay thôi, nhưng chỉ vì tâm ta còn phức tạp và tìm cầu quá đó thôi.
Hỏi: Nhiều người có quan niệm rằng còn trẻ thì phải trải nghiệm hết mình, và đến một lứa tuổi nào đó thì mới nên buông bỏ. Như thể người ta chia giai đoạn cho cuộc đời mình, nhưng có lẽ không nhất thiết phải chia giai đoạn làm gì, vì trải nghiệm nào cũng cần nhìn lại chính mình, học buông trong giờ phút hiện tại. Vì nếu theo ý cứ trải nghiệm hết mình thì người ta dễ buông lung, phóng dật.
Tôi cũng nghĩ vậy! “Trải nghiệm hết mình” cũng có thể chỉ là một hình thức sống theo bản ngã của mình.
Trong truyền thống Ấn Độ giáo, người ta thường chia cuộc đời ra làm bốn giai đoạn: tuổi trẻ – học hỏi; tuổi thanh niên – tạo dựng sự nghiệp; tuổi về hưu – xa rời cuộc sống bon chen; và tuổi già – lo về phần tâm linh. Họ phân chia cuộc đời thành những giai đoạn khác biệt, và mỗi lứa tuổi dành riêng cho những mục tiêu khác nhau.
Nhưng theo tôi thì lối phân chia ấy không được thực tế lắm! Ta đâu có thể nào cứ cả đời bon chen, rồi chờ khi lớn tuổi mới bắt đầu nghĩ đến vấn đề tâm linh? Nếu trong cuộc sống ta đi huân tập những thói quen, tập quán, dính mắc đủ chuyện, rồi một ngày ta có thể nào đơn giản buông xuống được dễ dàng không? Một thân cây năm tháng nghiêng về hướng Đông, và một ngày có thể ngã về hướng Tây được chăng?
Thật vậy, ta chỉ có bây giờ và ở đây để sống và hành xử thôi, và không thể là một nơi nào khác. Nơi mà ta sắp đến đó, cũng vẫn sẽ chỉ là bây giờ và ở đây thôi. Wherever you go there you are.
Hỏi: Có vẻ như nhiều người tiếp cận tu học và vô thức khoác lên cho mình hàng rào đạo đức, quan niệm tu học riêng, khiến họ muốn được an, và lấy bình an như một mục đích, rồi từ đó sợ ràng buộc, sợ rào cản, sợ trách nhiệm… Ông có lời khuyên nào đến họ?
Tôi nghĩ những chia sẻ trên cũng đều có thể giúp trả lời cho câu hỏi này.
Sự tu học là một thái độ rộng mở, trong sáng, tiếp nhận và bao dung, chứ không phải để đạt đến một lý tưởng hay khuôn mẫu nào đó, cho dù đó là tỉnh thức, an lạc, hạnh phúc. Sự tu học không phải là một hình thức của spiritual materialism.
Khi ta muốn an lạc, tĩnh lặng và tránh né sự ràng buộc, trách nhiệm… thì đó cũng chỉ là biểu hiện sự dính mắc của lòng tham và sân mà thôi. Dù chúng có hay đẹp đến đâu, và có đạt được đi chăng nữa, ta cũng vẫn còn lẩn quẩn trong vòng khổ đau.
No comments:
Post a Comment