Tấm màn thác nước
Nếu bạn có dịp đến Nhật và ghé qua thăm tu viện Eiheiji, trước khi vào bạn sẽ thấy một chiếc cầu nhỏ tên là Hanshaku-kyo, có nghĩa là cây cầu Nửa Thìa. Ngày xưa khi thiền sư Đạo Nguyên dùng muỗng múc nước từ dòng sông này, ông chỉ lấy phân nửa mà thôi, phần còn lại ông trả cho dòng sông mà không phải đổ đi. Vì vậy mà cây cầu này có tên là Hanshaku-kyo, “Nửa Thìa.”
Thật khó mà hiểu lý do vì sao ngài Đạo Nguyên lại trả nửa phần nước ông đã múc trở lại với dòng sông. Việc làm đó nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Khi chúng ta cảm nhận được mình là một với dòng sông, tự nhiên chúng ta sẽ hành động y như ngài Đạo Nguyên. Thực tánh của ta là như vậy. Nhưng nếu thực tánh của ta bị những ý niệm như là tiết kiệm, hiệu quả xen vào làm che mờ, thì hành động của ngài Đạo Nguyên hoàn toàn vô nghĩa.
Một tấm màn nước
Tôi có lần đến thăm Công viên Quốc gia Yosemite, nơi đây tôi thấy nhiều thác nước thật to. Thác cao nhất có đến 1340 bộ, từ trên cao nước đổ xuống như một tấm màn buông xuống từ đỉnh núi. Nước không rơi nhanh như bạn tưởng mà dường như thật là chậm vì khoảng cách cao. Và nước không rơi xuống thành một khối mà lại tách ra thành nhiều dòng nhỏ. Từ đằng xa trông giống y như một tấm màn.
Và tôi nghĩ rằng, mỗi giọt nước rơi từ trên đỉnh núi xuống, chắc là trải qua nhiều kinh nghiệm khó nhọc lắm. Nó phải mất biết bao nhiêu lâu mới có thể chạm đến đáy của thác nước. Và tôi chợt nghĩ, có lẽ kiếp người cũng giống như thế. Trong cuộc sống, ta trải nghiệm biết bao nhiêu nỗi khó khăn. Nhưng cùng lúc đó, tôi hiểu, dòng sông ban đầu chỉ là một, nó không hề có sự chia rẽ. Và chỉ khi nào bị tách rời ra nó mới có một sự khó khăn khi rơi xuống.
Dường như nước không có một cảm giác nào hết, khi nó trọn vẹn là một dòng. Chỉ khi nào chúng tách rời ra thành nhiều giọt nước nhỏ mà chúng bắt đầu có cảm xúc và có thể biểu hiện sự sống. Khi nhìn dòng sông một cách toàn thể ta sẽ không nhận được những sinh hoạt của nước. Nhưng khi ta múc lên trong một muỗng nước, ta sẽ kinh nghiệm được cảm giác của nước, và ta cũng sẽ cảm nhận được giá trị của người múc nước. Và khi cảm nhận được ta và nước như thế, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nào sử dụng nước như là một đồ vật bình thường. Nó là một sự sống.
Một giọt nước thì cũng vẫn là nước.
Sở dĩ chúng ta có những khó khăn là vì ta có cảm thọ. Ta bám víu vào những cảm
thọ này mà không ý thức được chúng bắt nguồn từ đâu. Vì không thấy được rằng
ta là một với dòng sông, mà ta đâm ra sợ hãi. Dầu cho nước có tách ra thành
từng giọt nhỏ hay không, thì nước vẫn là nước. Chuyện sanh tử của ta cũng
giống y như vậy. Hiểu được sự thật ấy ta sẽ không còn sợ cái chết và sự sống
nữa, mình sẽ được tự tại hơn.
Khi nước trở về hội nhập với dòng sông nguyên thủy, lúc ấy nó sẽ không còn giữ một cảm thọ riêng biệt nữa. Nó tiếp nối tự tánh của mình và tìm lại được sự an ổn của lúc ban đầu. Dòng sông lúc ấy chắc là vui mừng lắm. Nếu như vậy thì chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi mình chết đi? Tôi nghĩ chúng ta sẽ giống như nước trong chiếc thìa nọ. Chúng ta sẽ cảm thấy an ổn, một sự an ổn hoàn toàn.
Một cảm nhận toàn vẹn.
Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ, còn thật sự cảm nhận được điều ấy mới là khó. Bằng thiền tập, ta có thể vun trồng, nuôi dưỡng được cảm nhận này. Khi ta có thể ngồi với thân tâm mình một cách trọn vẹn, ta sẽ có được một sự hiểu biết chân chánh.
Cuộc sống hằng ngày của bạn sẽ được luôn luôn đổi mới,
không còn bị mắc kẹt vào những quan niệm sai lầm của quá khứ. Nhờ vậy mà ta
cũng nhận thấy được sự phi lý của những thành kiến xưa cũ, và biết bao nhiêu
nỗ lực vô ích mà ta đã cố công thực hiện. Ta sẽ hiểu được ý nghĩa thật sự của
cuộc đời. Đến lúc ấy, cho dù hành trình rơi từ đỉnh núi xuống đáy thác có gặp
nhiều gian truân, ta vẫn yêu quý cuộc đời mình.
— Shunryu Suzuki
Duy Nhiên dịch
No comments:
Post a Comment