Đưa tay chạm đất
Bàn tay của Phật nhẹ nhàng chạm đất, xúc địa ấn, là một ẩn dụ rất tuyệt vời. Điều ấy nói lên rằng, mặc dù trong ta có một không gian trong sáng, tự tại và tỉnh giác, nhưng nó cần phải được tương giao với thế giới hiện tượng chung quanh. Nếu không, nó không thể là trọn vẹn.
Vì vậy mà có những trường phái thiền, thường khuyên ta mở mắt khi ngồi, như là một cây cầu tiếp nối với chung quanh. Chúng ta nuôi dưỡng một không gian rộng lớn bên trong, nhưng nó cũng cần thiết phải được kết nối với thế giới hiện tượng bên ngoài.
Nếu như đó chỉ là một sự trải nghiệm giác ngộ nội tại, chủ quan, thì ta vẫn còn bị vướng mắc. Đoàn quân của Ma vương sẽ không bao giờ rút lui. Những khó khăn, phiền não có mặt ở khắp mọi nơi — tờ khai thuế, giấy xin phép, những sự đố kỵ. Chúng ta có thể thấy rằng tất cả đều là rỗng không, nhưng phiền não vẫn cứ tấn công từ mọi phía.
Khi đức Phật đưa tay chạm đất, Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, vâng, có những điều là vô vi và vô điều kiện. Nhưng sự khiêm nhường đòi hỏi ta không phải chỉ tiếp xúc với những gì là siêu việt và vô vi mà thôi. Đức Phật đã thấy và thừa nhận rằng “Có một thế giới hữu vi và còn bị điều kiện. Có một thế giới của giác quan. Có một trái đất đã tạo nên cơ thể và hơi thở và cung cấp thực phẩm cho ta.” Hành động với tay ra từ một nơi vô điều kiện, nói lên rằng: sự tiếp xúc với thế giới của giác quan không thể nào làm hư hao được bản chất tự do của con tim. Sự tự do này không bao giờ có thể bị gián đoạn, hư hại, hoặc rối ren bởi bất cứ một kinh nghiệm nào của các giác quan. Vì vậy, tại sao ta lại không dám mở rộng ra để tiếp nhận tất cả.
Và khi ta rộng mở và tiếp xúc với những gì là hữu vi và còn điều kiện, những gì vô vi, không điều kiện tự chúng sẽ hiển lộ ra các tiềm năng nhiệm mầu của chúng.
— Ajahn Amaro
Duy Nhiên dịch
No comments:
Post a Comment