Monday, October 14, 2019

Sai lầm trong sự tu tập

Sai lầm trong sự tu tập


Có vài sự sai lầm đáng tiếc trong vấn đề tu tập mà tôi muốn bạn nên biết. Thường thì khi ta tập thiền, ta có khuynh hướng muốn được toàn thiện, toàn mỹ nên ta tự đặt ra một lý tưởng, một mục đích và bắt mình phải đạt tới.
    Như tôi đã nói nhiều lần, chuyện ấy vô cùng phi lý. Khi chúng ta lý tưởng hóa một việc gì, ta sẽ có một ý niệm về sự thành đạt, và cho dù khi ta đã đạt được lý tưởng và mục tiêu mà mình đặt ra rồi, cái ý niệm về thành đạt ấy sẽ tạo thêm một lý tưởng mới khác. Thế cho nên, ngày nào sự tu tập của ta còn dựa trên ý niệm về thành đạt, hoặc ta thực hành theo một đường lối lý tưởng nào đó, ta sẽ không bao giờ có thể thật sự đạt đến mục tiêu mình muốn.
    Hơn thế nữa, nếu không khéo bạn còn có thể đánh mất đi cái tinh yếu trong sự tu tập của mình. Vì những mục tiêu bạn mong cầu bao giờ cũng nằm ở phía trước, nên lúc nào bạn cũng phải hy sinh cái hiện tại của mình cho một lý tưởng xa vời trong tương lai. Cuối cùng thì bạn cũng chẳng được gì hết, chuyện ấy hết sức phi lý. Nhưng còn tệ hơn thế nữa là nếu bạn đem sự tu tập của mình ra để tranh đua với người khác. Đó là những phương pháp tu tập sai lầm, đáng thương hại mà tôi muốn bạn nên tránh.
    Cho dù ta có tu tập một mình, không có thầy, tôi nghĩ bạn vẫn có thể biết được sự thực tập của mình có đúng đắn hay không. Những khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc nhàm chán sự tu tập của mình, thì đó là những dấu hiệu báo động mà bạn cần phải nhận diện cho rõ. Khi mà bạn cảm thấy chán nản tức là khi ấy sự tu tập của bạn đã bị lý tưởng hóa mất rồi. Bạn đã bắt đầu có những ý niệm về thành đạt và đánh mất đi cái sơ tâm của buổi ban đầu. Chỉ khi nào sự tu tập của ta có mang một kỳ vọng nào đó thì chừng ấy ta mới cảm thấy chán nản, thất vọng mà thôi.
    Vì vậy mà bạn nên biết ơn những dấu hiệu ấy, vì chúng báo cho ta biết những chỗ yếu trong sự tu tập của mình. Lúc ấy, bạn nên quên đi những sai lầm cũ và làm mới lại, tiếp tục trở lại đường lối tu tập của buổi ban đầu. Điều này rất quan trọng.
    Cho dù sự tu tập của bạn có gặp nhiều khó khăn hay không, ngày nào bạn còn tiếp tục thì ngày ấy bạn vẫn còn giữ được một sự tu tập thuần túy. Và cho dù có thể là bạn không nhận thức được việc ấy nhưng thật sự nó là như vậy. Ngài Đạo Nguyên nói, “Đừng tưởng rằng mình cần thiết phải ý thức được sự giác ngộ của mình.” Cho dù có ý thức được hay không, sự giác ngộ lúc nào cũng vẫn có mặt sẵn ngay trong sự tu tập của mình.
    Một lỗi lầm khác mà tôi muốn nói đến là khi ta tu tập với mục đích tìm một sự an lạc nào đó. Nếu lý do để ta tu tập là vì một cảm thọ an lạc do nó đem lại, thì sự tu tập ấy chưa được tốt cho lắm. Lẽ dĩ nhiên đó cũng không hẳn là xấu, nhưng chưa phải là một sự tu tập chân chánh.
    Nếu trên con đường tu tập bạn gặp phải nhiều khó khăn, thì chúng là những dấu hiệu báo cho biết là bạn đang có những ý niệm sai lầm nào đó. Bạn nên cẩn thận. Nơi đây không có vấn đề thành công hay thất bại. Nơi đây không có một ý niệm cứng nhắc nào về giác ngộ. Không bao giờ ta có thể nói rằng, “Đây là giác ngộ,” hay “Đó không phải là sự tu tập chân chánh.” Nếu sự tu tập của ta có sai lầm đi chăng nữa, chỉ cần ý thức được điều ấy và tiếp tục tu tập, thì đó cũng đủ là sự tu tập chân chánh rồi. Sự tu tập của ta sẽ không bao giờ được hoàn hảo, nhưng đừng nản chí, hãy cứ tiếp tục. Bí quyết tu tập là ở đó.
Trích trong Thiền Tâm, Sơ Tâm – Suzuki
Nguyễn Duy Nhiên dịch
free hit counter

No comments: