Tuesday, August 22, 2017

Giới thiệu sách: Đơn giản hơn ta nghĩ

Giới thiệu sách: Đơn giản hơn ta nghĩ
Con đường hạnh phúc theo lời Phật dạy

It's easier than you think.  Sylvia Boorstein
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Nhà xuất bản Sách Phương Nam




Trong Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ, tác giả chia sẻ những giáo lý nền tảng và sâu sắc của đức Phật, như là Bốn sự thật mầu nhiệm, Tứ vô lượng tâm, Năm điều chướng ngại, Tam pháp ấn, với độc giả qua những ví dụ và câu chuyện rất gần gũi bình thường hằng ngày. Bà Sylvia trình bày cho ta thấy một bản đồ của con đường đi đến hạnh phúc, phương cách để vượt qua những trở ngại trong thiền tập, và những việc làm cụ thể giúp ta phát huy được chánh niệm và tình thương trong cuộc sống.
    Đức Phật thường nhắc nhở rằng giáo lý của ngài được chia sẻ với chúng ta bằng một bàn tay mở rộng. Ai cũng có thể tiếp nhận được dễ dàng. Trong hơn 30 năm qua, bà Sylvia đã đi hướng dẫn thiền tập cho các cộng đồng tu học nhiều nơi trên thế giới. Và bà đã mang những kinh nghiệm trao đổi này, với các câu hỏi thắc mắc, những khó khăn các thiền sinh gặp phải, chia sẻ lại với độc giả qua những mẫu chuyện vui và thân mật.
    Trong nhà thiền có kể một câu chuyện, một người đến gặp một vị thiền sư và hỏi về đạo. Vị thiền sư thinh lặng, nhìn anh ta rồi đáp: “Anh hãy chỉ cho tôi thấy chung quanh anh nơi nào mà không phải là đạo”. Trong quyển sách Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ này, tác giả chia sẻ những kinh nghiệm về tuệ giác, sự biểu hiện của tình thương, trong cuộc sống bình thường chung quanh, qua những sự tiếp xúc hằng ngày, nơi gia đình, sở làm và trong xã hội. Tác giả cho ta thấy rõ rằng tuệ giác và tình thương có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả trong những việc rất tầm thường. Nếu ta biết nhìn với một tâm trong sáng và tĩnh lặng.
    Tuệ giác và tình thương là hai yếu tố nền tảng trong sự thực tập chánh niệm. Bà Sylvia chia sẻ: “Tôi thấy nó đơn giản lắm. Người bình thường cũng thực hành việc ấy, mặc dù họ không biết là họ đang làm việc đó. Giữa những cuộc sống tầm thường, với những niềm vui và nỗi muộn phiền quen thuộc, họ sống với lòng từ ái, biết ơn, và họ có được hạnh phúc”.
    Xin mời bạn đọc tìm hiểu về con đường hạnh phúc theo lời Phật dạy, nó Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ.

 --- oOo ---


Khi tôi mới bắt đầu tập thiền vào đầu thập niên bảy mươi, thì điều này rất là hợp thời ở Tây phương. Mọi người ai ai cũng tập thiền. Mỗi cuối tuần bạn đều có thể đi tham dự một khoá tu tập về thiền, không dưới hình thức này thì cũng bằng hình thức khác. Chương trình quảng cáo cho khoá tu tập bao giờ cũng hứa hẹn là sau mấy ngày bạn sẽ đạt được giác ngộ.
    Tôi còn nhớ thời gian ấy có lần đi tham dự một buổi tiệc, mọi người cười đùa, ăn uống, thăm hỏi nhau vui vẻ. Và ngay giữa đám đông của buổi tiệc có một bà ngồi yên một mình với một vẻ mặt khác mọi người, mắt nhắm, mặt thanh thản, hoàn toàn như không biết gì đến những gì đang xảy ra chung quanh. Một người bạn kề sát bên tai tôi thì thầm, "Xem bà ấy đó, bà đã giác ngộ rồi đấy!" Và lúc ấy tôi tự nghĩ, "Nếu giác ngộ có nghĩa là như vậy, thì chắc tôi không muốn đâu!"
    Cái mà tôi đã muốn, ít nhất cũng trong thời gian ấy, là có được những quyền năng phi thường. Tôi từng nghe kể về những người có khả năng xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc hoặc bay bổng trong không trung. Đôi khi, trong lúc ngồi thiền, tôi kinh nghiệm một cảm giác khinh an rất đặc biệt trong thân, tôi tưởng tượng rằng có lẽ mình cũng đang sắp sửa bay bổng đây. Tôi hy vọng tôi sẽ bay thật. Tôi nghĩ việc ấy sẽ rất là tuyệt vời, bay cao lên khỏi tọa cụ của mình, lơ lửng nửa chừng trong không khí.
    Tôi nghĩ, có lẽ tôi cũng một phần bị ảnh hưởng bởi câu chuyện của Ông tôi kể về bà Nội - bà mất khi tôi mới lên chín tuổi. Trong ký ức của tôi bà là một bà cụ nhiều bệnh hoạn, nhưng đối với Ông tôi thì lúc nào Bà cũng là một thiếu nữ xinh đẹp, mà ông đã xin cưới khi bà mới tuổi đôi chín. Ông nói Bà tôi xinh đẹp đến độ Bà "tỏa sáng trong bóng tối."  Tôi hỏi việc ấy có thật không, ông đáp, "Thật chứ con!" Rồi ông kể, "Có một lần ở tiệc cưới của đứa cháu trai, hội trường thời ấy được thắp sáng bằng đèn dầu vì chưa có điện, cho nên tối om om. Vậy mà ai cũng nhìn Bà con rồi nói, 'Coi cô ấy kìa, cô ta như là tỏa sáng trong bóng tối' " 
    Tôi giữ mãi hình ảnh tỏa sáng và kỳ diệu ấy trong ký ức mình như là một lý tưởng cao đẹp. Trong sự tu tập của tôi, tôi muốn mình cũng sẽ đạt được một sự tỏa sáng như vậy. Tôi nghĩ trong thời gian mới bắt đầu ấy, đa số chúng tôi ai cũng mơ đến chuyện thần thông hết.
    Nhưng các vị thầy Phật giáo dạy thiền cho tôi, vào thập niên của 70, các ngài chỉ nói đến vấn đề tỉnh giác chứ không hề đề cập gì đến chuyện thần thông. Các ngài nói về “thấy cho rõ”, "nhìn cho sâu sắc" và bấy nhiêu đó thôi cũng có thể đem lại cho ta hạnh phúc và chấm dứt được khổ đau. Và có lẽ đó là phép thần thông mà tôi mong muốn nhất.
    Mọi tôn giáo mà tôi biết đều có đề cập đến việc tỉnh thức dậy để thấy rõ sự thật. Mọi con đường mà tôi biết đều nói rằng sự trải nghiệm trực tiếp với sự thật sẽ giải thoát chúng ta, mang lại cho ta hạnh phúc, và khiến ta có những hành động từ bi đối với cuộc đời. Thấy được sự thật sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.
    Chánh niệm (mindfulness) và tâm từ (metta) không phải là những sự thực tập có tính cách tôn giáo. Vì vậy mà chúng có thể là những phương tiện tu tập cho thiền sinh trong mọi truyền thống. Có một ý thức trong sáng, từ ái, rộng lượng, và hiểu biết – là những điều kiện phải có trên con đường tu tập của tất cả mọi người.
      Chánh niệm và tâm từ là một bản đồ của Phật giáo. Nhưng chúng rất là rõ ràng và cụ thể và không hề bị hạn hẹp bởi giáo điều. Sự thật là sự thật. Tâm vướng mắc sẽ mang lại khổ đau khổ đau ở nơi đâu cũng vậy. Và lòng mong cầu hạnh phúc muốn chia sẻ tình thương thì nơi nào cũng có…
Trích trong “Đơn giản hơn ta nghĩ”, Sylvia Boorstein
Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch




free hit counter

No comments: