Không có Nhị đế.
Gió thổi lay phướn, có hai ông tăng tranh luận.
Một ông tăng nói: “Phướn động.”
Ông kia nói: “Gió động.”
Cãi qua cãi lại không ra. Lục tổ Huệ Năng nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động. Tâm các ông động đấy thôi."
(Vô Môn Quan, Tắc 29)
Những gì hai vị tăng nói là thuộc về tục đế. Lục tổ Huệ Năng nói về chân đế. Nhưng tôi nghĩ, Lục tổ cũng sai ở chỗ này.
Chân đế, sự thật tuyệt đối.
Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn một cái cây vào một ngày trời đầy gió. Bạn cảm nhận những làn gió mát trên mặt. Bạn thấy những chiếc lá lay động và lấp lánh khi chúng xoay vặn theo cơn gió. Bạn thấy những cành cây đung đưa lên xuống. Bạn nghe tiếng lá xào xạc và âm thanh cót két của thân cây. Và tâm bạn trong sáng, mở rộng đến mức mình không thấy có sự chuyển động nào, cả trong lẫn ngoài, hay bất cứ nơi đâu. Không có gì chuyển động.
Bây giờ, bạn hãy tưởng tượng là mình cũng có thể trải nghiệm tư tưởng và cảm xúc của mình, giống y như vậy. Chúng đến và đi, nhưng đối với bạn không có gì là chuyển động hết. Không có một việc gì. Điều gì khởi lên không quan trọng — thương, ghét, tự hào, muộn phiền, hạnh phúc — bạn trải nghiệm nó, trải nghiệm tất cả. Bạn nhận biết chúng trọn vẹn. Nhưng không có gì là chuyển động. Không có bất cứ một việc gì.
Ta hoàn toàn có thể trải nghiệm sự sống theo lối này. Và khi điều đó xảy ra, mọi ngôn ngữ đều hoàn toàn vô dụng. Sự trải nghiệm ấy là tuyệt đối ngay tức thì, sâu sắc không tưởng, đơn giản đến mức không thể nghĩ bàn, và mầu nhiệm tuyệt vời. Đó phải là sự thật!
Và từ đó một khái niệm về sự thật tuyệt đối, chân đế, được phát sinh.
Tục đế, sự thật tương đối.
Bạn hãy có mặt với trải nghiệm đó trong đôi ba phút. Bên trong bạn tĩnh lặng như một mặt hồ nằm giữa rừng sâu. Chiếc hồ ấy được bảo vệ bởi cây cối chung quanh. Nó chưa hề bị xao động bao giờ, ngay cả bởi một làn gió thoảng, trong mấy ngàn năm qua. Hãy cảm nhận sự tĩnh lặng ấy. Một sự tĩnh lặng sâu sắc vô tận, có mặt ngay trong chính bạn.
Nhờ sự tĩnh lặng ấy mà bạn lắng nghe được tất cả. Bạn nghe được tiếng khóc của một đứa bé mới chào đời. Bạn nghe được tiếng thở bất ngờ, tuyệt vọng của một chàng trai khi người tình nói lời chia tay. Bạn nghe thấy tiếng nức nở và sợ hãi của một người phụ nữ vừa nghe tin mình bị ung thư. Bạn nghe được hơi thở gấp gáp của một người sắp từ giả cõi đời. Bạn nghe thấy những khổ đau và nhục nhằn của những cuộc đời bất hạnh, vì thiếu may mắn hoặc sự ngu muội của chính mình. Bạn nghe được tiếng kêu đau và tổn thương của những người bị áp bức, bóc lột hoặc lạm dụng. Và bạn cũng nghe thấy nỗi đau trong giọng nói của những người phải đi đàn áp, bóc lột hoặc ngược đãi người khác. Bạn nghe thấy những khổ đau của cuộc đời.
Bạn thấy và nghe những vật vã của người khác — bị kẹt cứng trong niềm tin, bị ngập tràn bởi cảm xúc, hay là bị thiêu đốt thành tro vì những lo lắng, quan tâm, căng thẳng của họ. Và tất cả đều là hoàn toàn không cần thiết. Nhưng họ không biết là vẫn có những cách khác. Bạn thấy ra và biết rõ điều đó. Đó phải là sự thật!
Và từ đó một khái niệm về sự thật tương đối, tục đế, được phát sinh.
Chân đế biểu hiện qua tục đế.
Những trải nghiệm nào sâu sắc, chuyển hoá, và khai phóng, lại thường được xem như là những chân lý cao thượng hơn, thâm sâu hơn.
Là con người, phải tranh đấu, vật lộn với cuộc sống, khi chúng ta tìm ra một phương cách trải nghiệm cuộc sống, mà chấm dứt được khổ đau, ta muốn nắm lấy, bắt giữ và bám víu vào chúng. Không còn gì là quan trọng hơn. Ta biết rằng nó có thể được khác hơn. Nó chuyển hoá ta. Ít nhất là ta cảm thấy được chuyển hoá, vì vậy mà đó phải là sự thật.
Và ta muốn người khác cũng biết được những điều này. Nhưng làm sao ta có thể chia sẻ với họ đây?
Ta diễn đạt trải nghiệm của mình bằng ngôn ngữ, bất cứ từ ngữ nào ta có thể dùng được. Ta tạo tác ra những phương tiện để giải thích tại sao việc này lại có thể xảy ra, nó biểu hiện như thế nào, và tại sao nó lại quan trọng như vậy. Nhưng cuối cùng thì những ngôn từ này, những lời giải thích này, cũng chỉ có giá trị như những bằng chứng về sự tồn tại của Thượng Đế vậy.
Ta có thể biện luận và tranh cãi bao nhiêu cũng được — và con người đã làm điều này trong bao nhiêu thế kỷ qua — nhưng những lời giải thích, những khái niệm có hệ thống này, hoàn toàn không liên quan. Nếu như chúng không giúp người khác tự trải nghiệm được, may mắn thì chúng chỉ làm lãng phí thời giờ, còn tệ hơn nữa là chúng sẽ trở thành những sợi dây mà người ta lại dùng để tự trói buộc mình lại.
Không có chân đế, cũng không cần tục đế.
Không có chân đế, sự thật tuyệt đối. Không có tục đế, sự thật tương đối. Tất cả chỉ là khái niệm và ý tưởng. Ta chưa hề bao giờ chạm được đến một thực tại tự nhiên, tối thượng, vô hạn và hoàn toàn thanh tịnh. Những ngôn từ ấy không diễn đạt được một điều gì. Chúng chỉ là thơ văn, mà người ta lại quên đi điều ấy.
Ta trải nghiệm được một điều gì đó rất sâu sắc, và nó chuyển hoá mình. Tốt quá! Nhưng ta đừng bao giờ biến chúng trở thành những giáo lý hay pháp môn. Hãy thực sự sống với nó.
— Ken McLeod
Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên dịch
1 comment:
Cám ơn anh Duy Nhiên. Sáng nay tôi dọc bài này mà như được uống một ly cà phê rất ngon....
Post a Comment