Thiền sinh đối diện với nạn dịch
Hỏi: Đa số câu hỏi chung mà các thiền sinh muốn hỏi Sư, là làm thế nào để ta có thể thực tập duy trì chánh niệm và tĩnh lặng giữa tất cả những sợ hãi, lo âu và hoang mang do nạn dịch Covid-19 gây ra?
U Tejaniya: Về phương diện tu tập, thì tôi chỉ khuyên là hãy thực tập như bình thường. Tôi chỉ trình bày phương cách thực tập, và phương cách thực tập thì không bao giờ thay đổi, dầu trước bất cứ một hoàn cảnh nào.
Có một câu “thần chú” mà tôi cứ lặp đi, lặp lại, là ta thực tập không phải để đạt được một cái gì đó trong tâm, như là sự tĩnh lặng, hay xua đuổi một cái gì đó, như là sự sợ hãi hay hoang mang. Mà thật ra, ta thực tập để quan sát sự việc như là chúng đang xảy ra, để hiểu rõ được chúng.
Điều quan trọng nhất là đừng nghĩ rằng thực tập làm sao để ta loại trừ hay xua đuổi một cái gì đó, như là nỗi sợ của mình, để được sống trong tĩnh lặng. Đó không phải là cách ta tiếp cận sự thực tập của mình. Đường lối của chúng ta là nhớ rằng, đầu tiên và quan trọng hơn hết, tâm ta sẽ có phiền não khi nào nó chống đối hay cố gắng để đạt được một kinh nghiệm nào đó. Thái độ chân chánh là chấp nhận, quan sát và học hỏi từ sự trải nghiệm của mình, như-nó-là.
Nếu như ta có những hiểu biết về ba đặc tính vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), nó cũng giúp ích. Khi hiểu được những điều này, ta có thể tự nhắc nhở mình về những gì đang xảy ra trên thế giới: “Đây cũng là tự nhiên, luật tự nhiên của anicca, dukkha và anatta.”
Và những gì đang xảy ra trong ta, tất cả cũng đều là tự nhiên. Nếu như tâm ta hiểu được và chấp nhận rằng những gì đang xảy ra chung quanh ta và trong ta đều là hiện tượng tự nhiên, thì ta sẽ có thể suy nghĩ và ứng xử theo một đường lối nào cho thích hợp nhất.
Hỏi: Cá nhân Sư đối xử với sự lo âu hay nỗi sợ như thế nào?
U Tejaniya: Không phải là tôi không có sự lo âu hay sợ hãi, nhưng tôi hiểu rằng đây chỉ là những gì xảy ra trong tâm mình. Tôi không thể nào ngăn chận tâm mình đừng lo âu hay sợ hãi. Chúng sẽ khởi lên. Nhưng tôi thấy rõ rằng, “Đây là sự phản ứng tự nhiên của tâm trong một hoàn cảnh như vầy.”
Điều sai lầm nhất mà ta có thể suy nghĩ là: “Làm sao để ta diệt được nó?” Vì chính cái ý muốn trốn tránh những điều xấu xảy ra, cũng chính là nguyên nhân làm phát khởi lên những sợ hãi lớn nhất trong ta. Cái tâm không muốn có một buồn lo hay khổ đau nào sẽ tạo nên rất nhiều bất an.
Đối với tôi, điều quan trọng là chúng ta biết chấp nhận rằng đây chỉ là điều tự nhiên, nó có thể xảy ra, và bây giờ thì đang xảy ra. Nếu như tâm ta chấp nhận được rằng đây là một sự vận hành của luật tự nhiên, sự chấp nhận này sẽ mang lại sự an ổn trong tâm rất nhiều.
Hỏi: Tình trạng cực đoan hiện giờ có mang lại những cơ hội tích cực gì cho sự thực tập của chúng ta không?
U Tejaniya: Trong một thời điểm như vầy, mọi người ai cũng đang trở nên biết có ý thức về mình hơn. Không cần biết, người đó có thiền tập và hiểu biết về chánh niệm, có ý thức về một cái Ngã hay không. Tất cả mọi người tự nhiên sẽ trở nên có ý thức nhiều hơn về những cảm xúc của mình, những nỗi sợ hãi và suy nghĩ của mình, trong thời điểm này.
Khi ta có ý thức và suy nghĩ theo đường lối chân chính, thì sự tăng trưởng chánh niệm ấy sẽ tự nhiên chuyển sự thực tập trở thành một hành trình học hỏi thật sự và khám phá. Nó trở thành một sự thực hành theo Pháp (Dhamma).
Sẽ có một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của ta, chuyển hướng từ sự sợ hãi sang thành chấp nhận, chú tâm, và một ý muốn học hỏi và khám phá. Thay vì chống cự lại những cảm xúc trong thân tâm, ta thấy chúng chỉ là những hiện tượng tự nhiên. Một sự giải thoát và nhẹ nhõm sẽ có mặt khi ta thấy ra và hiểu được những kinh nghiệm của mình theo đường lối này.
Còn nếu như cảm nhận về cái Tôi của mình mạnh, thì ta sẽ lại chấp những tư tưởng, cảm thọ và cảm xúc đó làm mình, rồi một cái ngã sẽ phát sinh và tăng trưởng. Và nỗi sợ cùng với những phiền não và tâm bất thiện sẽ trở nên lớn mạnh theo.
Hỏi: Ta không dễ gì thấy được tham, sân và si khi mọi việc đều được suôn sẻ, tốt đẹp, vì những cảm thọ dễ chịu dường như che đậy chúng đi. Trong thời điểm căng thẳng như bây giờ, những sự dễ chịu, an ổn đều phai mờ, và những phiền não dường như được phô bày rõ ràng và trần trụi, nhờ vậy ta có thể quan sát chúng dễ dàng hơn.
U Tejaniya: Đối với những ai có thiền tập, lúc này có thể là thời gian để ta thấy tất cả rõ rệt hơn. Nó giống như một chuông báo động, đánh thức ta nhìn thấy rõ tính chất dukkha cố hữu trong cuộc sống này. Dukkha lúc nào cũng có mặt, nhưng tiếng chuông báo động của cơn đại dịch này đã khiến ta thức tỉnh hẳn dậy, thấy rõ ràng được sự thật rất hiển nhiên này của sự sống.
Hỏi: Nỗi sợ dường như cũng làm gia tăng cường độ của chánh niệm. Ví dụ, nỗi sợ về đưa tay chạm vào mặt có thể gây nhiễm corona virus làm gia tăng khả năng chánh niệm của tôi về ý định chạm vào mặt mình, trước khi sắp sửa làm.
Thay vì vậy, ta có thể chọn làm phát khởi cường độ của chánh niệm từ sự trong sáng, tĩnh lặng và một hiểu biết trung thực về sự cần thiết không nên chạm vào mặt mình.
Hỏi: Làm sao ta có thể làm bớt sự căng thẳng trong tâm?
U Tejaniya: Bằng cách quan sát nó luôn và không suy nghĩ về nó. Đó là nền tảng của thiền quán Vipassana!
Hỏi : Ta phải thực tập như thế nào nếu như mình bị mắc bệnh?
U Tejaniya: Câu hỏi không bao giờ là ta phải thực tập như thế nào “nếu điều này xảy đến hay điều kia xảy ra.” Mà câu hỏi bao giờ cũng vẫn là, “Bây giờ, ta nên thực tập như thế nào?” Lúc nào ta cũng phải thực tập như vậy.
Khi tôi bị chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư trong năm 2018, tôi không hề thực tập gì khác hơn với những gì tôi đã thực tập trước đó. Việc gì đến với tôi, tôi thực tập với nó. Mọi việc tốt đẹp, tôi thực tập. Sự việc không tốt đẹp, tôi thực tập, vẫn luôn giống y như nhau. Sự thực tập không bao giờ thay đổi.
Interviewed by Doug McGill
— Duy Nhiên dịch
2 comments:
Sadhu Sadhu Sadhu ! ! ! Kinh cam on tac gia ! ! !
Sadhu sadhu sadhu
Post a Comment